Miền Tây tháng 8 mưa dầm, có nhiều ngày bầu trời cứ âm u đùng đục từ sáng đến chiều, mưa thì rả rích cả ngày lẫn đêm. Đợt mưa này lại trùng ngay với thời điểm Nhà máy Đạm Cà Mau dừng máy để bảo dưỡng tổng thể (BDTT). Vì thế mà ban đầu, từ lãnh đạo đến tất cả CBCNV nhà máy ai nấy đều lo lắng và phải làm việc vất vả hơn bội phần so với các đợt bảo dưỡng trước để đảm bảo tiến độ. Nhà máy dừng máy vào ngày 16-8 và cả một tuần sau đó, ngày nào trời cũng mưa.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó giám đốc Nhà máy, Trưởng ban Quản lý vận hành sản xuất nói: Từ lúc nhà máy đi vào hoạt động cho đến nay đã trải qua 5 lần BDTT, nhưng chưa đợt nào gặp phải khó khăn do mưa nhiều như thế này. Mưa làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ, bởi đa số máy móc được tháo ra và bảo dưỡng, sửa chữa ngoài công trường. Công tác hàn, cắt, xử lý ăn mòn… không thể thực hiện được. Đặc biệt là công tác an toàn trong quá trình bảo dưỡng, như an toàn về điện, bảo dưỡng các thiết bị trên cao…

Một áp lực lớn khác đối với công tác BDTT ở Nhà máy Đạm Cà Mau là thời gian bảo dưỡng chỉ kéo dài trong vòng 16 ngày, thay vì từ 20 ngày đến gần 1 tháng như ở “người anh em” Nhà máy Đạm Phú Mỹ. Sở dĩ thời gian phải gấp rút như vậy là do phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí. Nhà máy Đạm Cà Mau hiện sử dụng nguồn khí duy nhất từ giàn PM3; mỗi năm, giàn này phải dừng để BDTT 1 lần trong vòng 16 ngày. Như vậy, để tận dụng thời gian và nguồn khí quý hiếm cho vận hành sản xuất, Nhà máy Đạm Cà Mau cũng đưa ra kế hoạch BDTT cùng với thời gian bảo dưỡng giàn.

Trong đợt BDTT năm nay có tổng cộng hơn 40 gói thầu với đầu mục công việc lên đến khoảng 2.800 hạng mục, trong đó có nhiều hạng mục quan trọng. Công việc tập trung phần lớn vào một số máy móc thiết bị tĩnh, thiết bị điện, một số hạng đo lường, điều khiển... Tất cả các thiết bị liên quan đều được tháo ra và đại tu. Khối lượng công việc nhiều, thời gian hạn hẹp, lại cộng thêm thời tiết mưa gió bất lợi nên áp lực đối với đội ngũ CBCNV làm công tác bảo dưỡng, sửa chữa càng thêm nặng nề. Thời gian không cho phép kéo dài nên tất cả đều xác định rằng: tiến độ vẫn phải được đảm bảo bằng mọi cách.

Nhờ rèn luyện thể thao và áp dụng “7 thói quen để thành đạt” mà sức khỏe và tinh thần mọi người được ổn định tốt nhất. Và đây cũng chính là nét văn hóa doanh nghiệp đặc sắc của PVCFC nói chung và CBCNV Nhà máy Đạm Cà Mau nói riêng.

Hôm chúng tôi đến nhà máy thì trời bắt đầu có nắng, còn suốt các ngày hôm trước thì trời mưa tầm tã. Quan sát thấy ở hai bên đường dẫn vào các khu xưởng trong nhà máy có rất nhiều căn lều được che bằng những tấm bạt; bên trong đó là không khí làm việc tất bật, khẩn trương. Đây cũng chính là một giải pháp hữu hiệu để đối phó với mưa. Những tấm bạt che mưa này vốn đã được nhà máy chuẩn bị từ trước, không chỉ cho đội ngũ thực hiện công tác bảo dưỡng của nhà máy mà còn chuẩn bị cả cho các nhà thầu.

Trời mưa, thiết bị máy móc được đưa vào những căn lều dã chiến này để được tiếp tục bảo dưỡng, sửa chữa; một số thiết bị quan trọng khác thì chuyển vào trong nhà xưởng. Như vậy, vấn đề tiến độ do ảnh hưởng của thời tiết đã được giải quyết một phần khi mà những công việc nào có thể tiếp tục làm được lúc mưa thì được tăng cường tối đa. Ngoài ra, một giải pháp nữa đã được áp dụng là tăng cường thời gian làm việc. Cụ thể, hầu hết các hạng mục đều được làm từ 8-12 giờ/ngày, thậm chí có những hạng mục quan trọng thì nhà máy còn tăng ca làm việc 24/24 giờ để đảm bảo tiến độ.

Đó là chưa kể, công tác BDTT đã được nhà máy chuẩn bị kỹ từ sau khi kết thúc đợt BDTT năm trước. Ở nhà máy, hằng tháng đội ngũ vận hành đều đưa ra những đầu mục để đội ngũ kỹ thuật bảo dưỡng cập nhật và đưa vào trong kế hoạch bảo dưỡng. Từ đó, các công việc như lập kế hoạch, mua sắm vật tư, thuê các dịch vụ phụ trợ đã được nhà máy bắt tay vào thực hiện từ rất sớm. Và đặc biệt quan trọng, đó là công tác bảo dưỡng định kỳ hằng ngày luôn được đảm bảo; công tác này khiến mọi vấn đề phát sinh đều được kiểm soát hiệu quả và xử lý ngay lập tức.

Bảo dưỡng tổng thể Nhà máy Đạm Cà Mau

Chúng tôi để ý đến nhóm người đang xếp hàng để kiểm tra sức khỏe, tim mạch, huyết áp, nồng độ cồn trước khi vào khu vực làm việc. Đây là một quy định an toàn bắt buộc, nhất là đối với những người làm việc trong không gian hạn chế, trên cao. Chỉ khi đảm bảo đủ sức khỏe và được dán nhãn thông báo thì những người này mới đủ điều kiện vào làm việc tại những khu vực nói trên.

Trong 4 tiêu chí của BDTT lần này thì tiêu chí an toàn vẫn được đặt lên hàng đầu, trong đó, ngoài an toàn lao động thì vấn đề an toàn môi trường được quan tâm số 1. Phương án xả thải cô lập thiết bị và xử lý xúc tác thay thế được kiểm soát chặt chẽ theo đúng quy trình để đảm bảo trong quá trình bảo dưỡng không xảy ra bất kỳ sự cố nào ảnh hưởng đến môi trường. Và theo tổng kết sau khi hoàn thành BDTT thì 4 tiêu chí, trong đó tiêu chí an toàn được được đảm bảo tuyệt đối.

Trò chuyện với anh Nguyễn Văn Quang - Quản đốc Phân xưởng Điện khi đang làm việc ngoài công trường, anh cho biết: Trong những ngày bảo dưỡng, tinh thần anh em lúc nào cũng lên đến… 200%. Có nghĩa là lúc nào mọi người cũng cố gắng làm hết mình để đảm bảo tiến độ và hiệu quả tốt nhất nhất có thể. Mỗi năm chỉ bảo dưỡng một lần trong vòng 15-16 ngày, mà chất lượng bảo dưỡng ảnh hưởng rất lớn đến công việc cả năm sau đó, nên anh em phải tập trung tối đa để hoàn thành.

“Tôi và nhiều anh em khác luôn nghĩ là bản thân mình phải làm gì trong đợt bảo dưỡng này để mang lại kết quả tốt nhất. Cũng từ trăn trở đó, rất nhiều ý tưởng sáng kiến đã ra đời trong quá trình tháo lắp, bảo dưỡng sửa chữa các thiết bị” - anh Quang nói. Đặc biệt là công tác an toàn về điện trong giai đoạn trời mưa được anh em Xưởng Điện lưu tâm hàng đầu, bởi theo anh Quang thì chỉ cần một sơ suất nhỏ để các thiết bị dẫn điện tiếp xúc với nước, tính mạng con người bị đe dọa và nguy cơ hỏng hóc các thiết bị là rất cao.

Anh Quang chia sẻ, hầu như ngày nào anh em cũng làm việc cật lực từ 7 giờ đến 22 giờ mới trở về nhà. Chính vì thế mà vào những ngày cuối của đợt bảo dưỡng, anh em bắt đầu thấm mệt! Và đây cũng chính là thời điểm mà các nguy cơ về an toàn lao động xảy ra càng cao do mọi người thiếu sự tập trung. Nhìn thấy và thấu hiểu được điều đó nên lãnh đạo Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) và lãnh đạo nhà máy hết sức quan tâm, động viên anh em bằng nhiều cách khác nhau. Trong đó, chế độ ăn uống trong suốt quá trình BDTT là luôn được đảm bảo ở mức cao.

Ông Nguyễn Thanh Tùng  trao đổi với ông Văn Tiến Thanh, Phó Tổng giám đốc PVCFC về công tác BDTT Nhà máy Đạm Cà Mau

Tinh thần và không khí làm việc của CBCNV tại nhà máy trong đợt BDTT vừa qua như thế nào thì chúng tôi đã từng được trực tiếp chứng kiến. Hôm chúng tôi đi tham quan nhà máy thì đã vào giờ trưa, trời nắng gắt nhưng không khí làm việc vẫn hăng say, trên khuôn mặt ướt mồ hôi của anh em luôn là nụ cười tươi chứ không có biểu hiện nào của sự mệt mỏi. Hỏi mới biết, thật ra thì mọi người ở Nhà máy Đạm Cà Mau họ đều có bí quyết. Cụ thể, đó là việc thường xuyên rèn luyện thể dục, thể thao và song song đó là áp dụng nguyên tắc “7 thói quen để thành đạt” vốn đã được lãnh đạo PVCFC quán triệt xuyên suốt tới tất cả CBCNV trong nhà máy.

Như các năm trước, mỗi đợt BDTT cũng chính là thời điểm mà phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật tại nhà máy được đẩy lên cao nhất, mọi người tham gia đóng góp tích cực nhất. Ông Nguyễn Trung Kiên - Phó giám đốc Nhà máy, Trưởng ban Quản lý bảo dưỡng cho biết, trước khi bước vào đợt BDTT, nhà máy đã phát động phong trào thi đua sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Mọi người không chỉ đóng góp ý tưởng sáng kiến trong lúc BDTT mà còn duy trì trước và sau đó để góp phần nâng cao hiệu quả của đợt bảo dưỡng lên mức tối ưu nhất.

Hiện tại thì chưa có thống kê cụ thể về những sáng kiến này, thường thì sau BDTT khoảng 1 tháng, lãnh đạo sẽ tổng kết và có phần thưởng xứng đáng cho những sáng kiến tiêu biểu, mang lại lợi ích cao. Còn để nói về đánh giá một cách tổng thể thì theo anh Kiên, năm nay số lượng và chất lượng của các sáng kiến đều cao, anh em CBCNV đều đóng góp rất nhiệt tình, tích cực và đã góp phần quan trọng để đợt BDTT hoàn thành theo đúng các tiêu chí đã đề ra.

Về các ý tưởng sáng kiến, trò chuyện với chúng tôi sau giờ cơm trưa, Phó giám đốc Nguyễn Thanh Tùng hồ hởi chia sẻ về một ý tưởng mới, mang lại hiệu quả cao trong công tác chuyên môn mà anh khá tâm đắc. Đó là ý tưởng thành lập những “group” trên mạng xã hội Zalo, Facebook để anh em làm việc ngoài công trường có thể vừa làm, vừa trực tiếp trao đổi và nhận sự chỉ đạo nhanh chóng nhất từ lãnh đạo. Mọi hình ảnh về hiện trạng máy móc đều được cập nhật và đưa lên group, mọi người đều có thể nhìn thấy rõ ràng dù không ở ngoài hiện trường.

Mỗi group thường gồm có đội ngũ kỹ thuật bảo dưỡng, kỹ thuật vận hành, kỹ thuật công nghệ và đội ngũ kỹ thuật an toàn. Với một đội ngũ đầy đủ các thành phần chuyên môn như thế này thì những vấn đề phát sinh trong quá trình bảo dưỡng sửa chữa đều được đảm bảo giải quyết nhanh chóng, chính xác.

Năm nay, mục tiêu quan trọng được Nhà máy Đạm Cà Mau đặt ra sau đợt BDTT là nâng công suất nhà máy lên khoảng 110% so với trước khi dừng máy. Chính vì xác định mục tiêu đó nên công tác BDTT đợt vừa qua tập trung vào các giải pháp nâng cao năng suất, trong đó có giải pháp thay thế thiết bị để tăng hiệu quả về mặt công nghệ, cài đặt lại phần mềm cho máy nén khí…

Và kết quả chạy lại sau BDTT vừa qua cho thấy, việc đạt được mục tiêu là rất khả quan. Còn hiện tại, Nhà máy Đạm Cà Mau đã sẵn sàng phục vụ cho nhu cầu bà con nông dân trong mùa vụ Thu - Đông này!


Căng buồm vượt qua sóng gió

Trước những biến động của thị trường phân bón và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như hiện nay, sức mạnh thương hiệu sẽ là con thuyền giúp PVCFC căng buồm vượt qua sóng gió. Thời gian tới, công ty sẽ cho ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới, tiếp tục củng cố niềm tin vững chắc trong lòng bà con nông dân khắp mọi miền đất nước, để Đạm Cà Mau xứng đáng trở thành một trong những thương hiệu có uy tín hàng đầu trên thị trường trong nước và khu vực.

Trong công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, Đạm Cà Mau đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) và Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long để chuyển giao ứng dụng công nghệ từ các kết quả nghiên cứu và các sáng chế, giải pháp hữu ích trong nghiên cứu phát triển phân bón và sản xuất nông nghiệp, từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón.

Ngoài ra, Đạm Cà Mau còn chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua các lớp tập huấn để củng cố, nâng cao kiến thức tổng quan về phân bón nói riêng và nông nghiệp nói chung cho CBCNV thị trường, tiếp thị qua đó không chỉ giải thích cho bà con nông dân về đặc tính sản phẩm và hướng dẫn sử dụng mà còn tư vấn các giải pháp dinh dưỡng phù hợp cho cây trồng.

Trong bối cảnh thị trường phân bón đang trong xu thế bão hòa và nhiều thách thức, đòi hỏi sự liên kết chặt giữa các đơn vị sản xuất kinh doanh phân bón để trao đổi, thảo luận và tìm ra các hướng đi mới, PVCFC đã chủ động tham gia tích cực vào các hội nghị, hội thảo liên quan.

Điển hình là Hội nghị phân bón NPK Argus 2017 tổ chức tại TP HCM vào tháng 7-2017, ban lãnh đạo công ty đã có cơ hội tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi thông tin và tìm kiếm cơ hội hợp tác với gần 150 đơn vị sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón trong nước và quốc tế. Việc tham gia hội nghị lần này còn là bước đệm quan trọng chuẩn bị cho công tác chuẩn bị thị trường NPK sắp tới, tạo động lực nâng cao năng lực sáng tạo, nghiên cứu cải tiến để đáp ứng nhu cầu thị trường một cách tốt nhất.

Hoàng Lãm (Petrotimes)