(PetroTimes) - Bên cạnh việc duy trì sản xuất ổn định, cung ứng nguồn phân bón chất lượng cao cho bà con nông dân, Đạm Cà Mau đã từng bước đẩy mạnh chiến lược đào tạo, khẳng định thế mạnh về nguồn lực vận hành, bảo dưỡng và sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm với các dự án, nhà máy khác trong và ngoài ngành Dầu khí trên tinh thần hợp tác cùng phát triển.

Tháng 8/2013 vừa qua, tại Nhà máy Đạm Cà Mau, Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) và Tổng Công ty Công nghiệp Hóa chất Mỏ - Vinacomin (MICCO, đơn vị thành viên Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam - Vinacomin) đã tổ chức lớp Đào tạo Kỹ năng quản lý, giám sát lắp đặt và vận hành cho 16 kỹ sư đang làm việc cho dự án sản xuất amon nitrat của MICCO. Lớp học được thực hiện theo nội dung của Hợp đồng dịch vụ hỗ trợ đào tạo, vận hành được ký kết giữa hai đơn vị.

Theo đó, các kỹ sư của MICCO sẽ được đội ngũ chuyên gia PVCFC đào tạo: Kỹ năng giám sát, các quy trình giám sát, kiểm tra, nghiệm thu; tổ chức tiền chạy thử, chạy thử cho nhà máy; tổ chức vận hành và xử lý các sự cố; việc dừng và khởi động nhà máy. Đặc biệt anh chị em còn được hướng dẫn, thực hành thực tế tại Nhà máy Đạm Cà Mau và được chia sẻ kinh nghiệm từ đội ngũ kỹ sư đã từng kinh qua quản lý dự án, nay lại phụ trách công tác vận hành, bảo dưỡng Nhà máy Đạm Cà Mau.

Tổng giám đốc PVCFC Lê Mạnh Hùng cho biết: “Việc triển khai dự án, quản lý vận hành Nhà máy Đạm Cà Mau thành công là nhờ kế thừa kinh nghiệm của các dự án, nhà máy đi trước. Vì vậy, việc chia sẻ, hỗ trợ đào tạo cho các dự án sau là trách nhiệm của Đạm Cà Mau, đồng thời qua đó thể hiện tinh thần hợp tác hiệu quả giữa các doanh nghiệp Việt Nam cùng phát triển”.

 

Các kỹ sư vận hành trong Phòng điều khiển trung tâm Nhà máy Đạm Cà Mau

Trước đó, vào cuối năm 2012, Ban Quản lý Dự án Bauxite - alumin Nhân Cơ (Vinacomin) cũng đã cử đoàn cán bộ lãnh đạo, kỹ sư đến tham quan Nhà máy Đạm Cà Mau, học hỏi kinh nghiệm liên quan công tác quản lý dự án, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong việc triển khai các hạng mục từ khâu thiết kế, mua sắm, lắp đặt các thiết bị, công nghệ đến việc áp dụng quy trình quản lý chất lượng, tiến độ dự án.

Một số đơn vị như Dự án Nhà máy Đạm Hà Bắc mở rộng, Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình cũng cử cán bộ, kỹ sư đến Đạm Cà Mau trao đổi kinh nghiệm. Thông qua đó các bên đã có sự tin tưởng, tín nhiệm lẫn nhau. Song song đó, Nhà máy Đạm Cà Mau đã cử 6 chuyên gia tham gia hỗ trợ Nhà máy Đạm Ninh Bình trong giai đoạn chạy thử, bàn giao nhà máy từ ngày 15/9/2012 đến 15/3/2013. Điều đáng mừng và tự hào hơn là vào tháng 7/2013 vừa qua, PVCFC đã chính thức cung cấp 4 chuyên gia đầu tiên của Nhà máy Đạm Cà Mau sang hỗ trợ vận hành công nghệ tạo hạt tại Venezuela với nhà bản quyền Toyo Engineering Coporation (Nhật Bản).

Theo các chuyên gia, hiện nay Nhà máy Đạm Cà Mau hay các nhà máy hóa chất lớn trong nước đa phần sở hữu dây chuyền công nghệ hiện đại và phức tạp. Để đảm bảo cho công tác vận hành của các nhà máy an toàn, ổn định đòi hỏi các nhà máy không ngừng phát triển năng lực bảo dưỡng sửa chữa, cụ thể là tối ưu hóa nguồn lực bảo dưỡng, sửa chữa, tiếp cận với mô hình quản lý bảo dưỡng hiện đại để đạt mục tiêu chung là tối ưu hóa lợi nhuận. Chính vì vậy, mục tiêu chủ chốt trong công tác hỗ trợ và chia sẻ các nguồn lực bảo dưỡng, sửa chữa giữa các nhà máy là: Tối ưu hóa nguồn lực hiện hữu; học hỏi để phát triển năng lực bảo dưỡng sửa chữa; đáp ứng kịp thời các yêu cầu, nhiệm vụ của công tác bảo dưỡng sửa chữa; mang lại hiệu quả kinh tế.

Lãnh đạo Nhà máy Đạm Cà Mau khẳng định, nguồn lực về con người là một trong những nhân tố quan trọng cho công tác bảo dưỡng sửa chữa tại các nhà máy. Điều đó đòi hỏi cần có đội ngũ chuyên gia gồm các kỹ sư giỏi, chuyên sâu nghiên cứu về một vài lĩnh vực kỹ thuật trọng yếu trong nhà máy; có đội ngũ kiểm tra, giám sát thiết bị, theo dõi tình trạng hoạt động của thiết bị và phân tích đánh giá các hư hỏng hao mòn của thiết bị; đội ngũ kỹ sư có trình độ và kỹ năng, đáp ứng các yêu cầu về chuyên môn, kỹ thuật và nắm bắt công nghệ hiện đại; đội ngũ công nhân kỹ thuật có tay nghề cao, đảm bảo thực hiện tốt công tác sửa chữa và bảo trì thiết bị. Bên cạnh đó, công tác đào tạo cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc phối hợp, chia sẻ nguồn lực bảo dưỡng sửa chữa nhằm chia sẻ kinh nghiệm những bài học trong công tác bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị từ các nhà máy (case study); đào tạo nguồn nhân lực từ việc tham gia học hỏi trực tiếp từ các đợt bảo dưỡng sửa chữa các thiết bị quan trọng hoặc từ sự hỗ trợ nguồn lực (training on jobs).

Có thể khẳng định rằng, ngay từ những ngày đầu nhận bàn giao Nhà máy Đạm Cà Mau, nguồn nhân lực trẻ ở đây đã gặp không biết ít khó khăn trong công tác vận hành, xử lý sự cố, quản lý rủi ro. Tuy nhiên, với định hướng đào tạo đúng đắn và niềm tin tuyệt đối của Ban lãnh đạo PVCFC vào đội ngũ kỹ sư trẻ tuổi cùng tinh thần quyết tâm làm chủ công nghệ, mọi quy trình vận hành dần đi vào quỹ đạo ổn định.

Song song với công tác vận hành là công tác bảo dưỡng. Đến nay, Nhà máy Đạm Cà Mau đã dừng máy bảo dưỡng, sửa chữa lớn định kỳ 2 đợt. Trong đợt bảo dưỡng thành công theo định kỳ hằng năm vào giữa tháng 7/2013, Nhà máy Đạm Cà Mau đã dừng máy cùng thời điểm giàn cấp khí và công ty khí dừng máy để bảo dưỡng. Đây cũng là đợt bảo dưỡng lớn với hàng ngàn thiết bị máy móc được tháo ra để kiểm tra từng chi tiết gần 1.369 đầu mục được thực hiện. Đã có trên 800 kỹ sư và các cán bộ, công nhân kỹ thuật của nhà máy và các nhà thầu làm dịch vụ hỗ trợ tham gia công tác bảo dưỡng vào lúc cao điểm.

Qua quá trình kiểm soát các thiết bị, hệ thống công nghệ từ khi khởi động lại, các phân xưởng và các thiết bị nhà máy vận hành an toàn, ổn định theo đúng thiết kế và cho ra sản phẩm đạt chất lượng. Công tác bảo dưỡng Nhà máy Đạm Cà Mau được đánh giá an toàn, chất lượng, đội ngũ kỹ sư bảo dưỡng hoàn toàn làm chủ kế hoạch và tiến độ, đặc biệt là hoàn thành vượt kế hoạch đề ra để nhà máy có thêm thời gian chuẩn bị khởi động lại để bắt tay ngay vào sản xuất, phục vụ bà con trong vụ mùa mới.

Rút kinh nghiệm và thừa kế thành công từ đợt bảo dưỡng lần đầu tiên, tập thể kỹ sư trẻ tại Nhà máy Đạm Cà Mau đã chủ động lập kế hoạch chi tiết từng hạng mục, kiểm tra và khắc phục hoàn toàn các điểm kỹ thuật, đảm bảo cho nhà máy hoạt động ổn định.

Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo của Đạm Cà Mau cũng được đánh giá là rất bài bản và khoa học. Trong 6 tháng đầu năm 2013, Đạm Cà Mau đã tổ chức đào tạo tập trung về quản lý và điều hành sản xuất, tăng cường kỹ năng vận hành, bảo dưỡng cho khoảng 5.669 lượt người, đạt 209,96 % so với kế hoạch đề ra.

Thế Vinh