(ĐTCK) Sản lượng sản xuất urê quy đổi của Đạm Cà Mau đạt 804.000 tấn, đạt 102% kế hoạch năm; Sản lượng tiêu thụ urê quy đổi đạt 813.760 tấn, đạt 104% kế hoạch năm.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân biểu dương, khen ngợi tập thể cán bộ công nhân viên Đạm Cà Mau trong hoạt động sản xuất kinh doanh 5 năm qua

Năm 2016, hoạt động sản xuất kinh doanh của Đạm Cà Mau đối mặt với nhiều khó khăn. 

Giá urê thế giới và trong nước ở mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Giá FOB urê hạt đục Trung Đông 11 tháng năm 2016 là 206 USD/tấn giảm hơn 28,1% so với cùng kỳ năm 2015 (287 USD/tấn urê), kéo theo giá bán urê Đạm Cà Mau thấp hơn cùng kỳ năm 2015 khoảng 18,4%. 

Đồng thời, do tác động tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn trên quy mô lớn, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Campuchia là những thị trường chính của Công ty đã gây thiệt hại lớn đến tình hình sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân, khiến nhu cầu tiêu thụ urê giảm mạnh. 

Việc không áp dụng thuế VAT với mặt hàng phân bón làm tăng chi phí ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong ngành. Tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường phân bón chưa được kiểm soát chặt chẽ…

Trong bối cảnh giá urê thế giới thấp nhưng giá bán của Đạm Cà Mau vẫn duy trì cao hơn so với giá urê nhập khẩu trên thị trường nhằm đảm bảo hiệu quả kinh doanh, đồng thời tiếp tục khẳng định vị thế và thương hiệu hàng đầu ở thị trường urê nội địa. 

Tuy nhiên, trong điều kiện nhiều khó khăn đó, Đạm Cà Mau đã đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả nhà máy với công suất trung bình 103% và nâng công suất thành công trong những tháng cuối năm ở mức 110%, hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất và tiêu thụ, thể hiện nỗ lực to lớn của công ty trong điều kiện dư cung như hiện nay. 

Trong bối cảnh giá urê thế giới thấp nhưng giá bán của Đạm Cà Mau vẫn duy trì cao hơn so với giá urê nhập khẩu trên thị trường nhằm đảm bảo hiệu quả kinh doanh, đồng thời tiếp tục khẳng định vị thế và thương hiệu hàng đầu ở thị trường urê nội địa. 

Năm 2016, sản lượng sản xuất urê quy đổi của Đạm Cà Mau đạt 804.000 tấn, đạt 102% kế hoạch năm; Sản lượng tiêu thụ urê quy đổi đạt 813.760 tấn, đạt 104% kế hoạch năm.

Đối với các chỉ tiêu tài chính, Đạm Cà Mau đã điều chỉnh giảm chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận. Cụ thể, Công ty giảm doanh thu hợp nhất từ 5.845 tỷ đồng xuống còn 5.092 tỷ đồng. Chỉ tiêu doanh thu tuy giảm nhưng đây là kết quả khả quan so với mức sụt giảm của giá urê thế giới (mức giảm từ 28% – 30%).

Đối với chỉ tiêu lợi nhuận, theo kết luận của Thanh tra Bộ Tài chính, sẽ điều chỉnh giảm Quỹ Đầu tư phát triển 286 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc giảm vốn chủ sỡ hữu cuối kỳ, do đó chỉ tiêu lợi nhuận điều chỉnh giảm tương ứng với quy định đảm bảo đạt 12% tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu. Theo đó, lợi nhuận trước và sau thuế cũng điều chỉnh còn lần lượt 654 tỷ đồng và 621 tỷ đồng.

Các chỉ tiêu khác của kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2016 vẫn được giữ nguyên như đã thông qua tại Nghị quyết ĐHCĐ thường niên năm 2016.

Với những tiền đề và bước đi vững chắc trong 5 năm qua, năm 2017, Đạm Cà Mau vẫn tiếp tục bám sát chiến lược, chủ động đề ra những giải pháp toàn diện trong hoạt động marketing, quảng bá, tiếp thị, xây dựng hệ thống phân phối, hoàn thiện chính sách bán hàng để mở rộng thị trường, tăng cường xuất nhập khẩu.

Đẩy mạnh kinh doanh và phân phối các  trọn bộ sản phẩm phân bón khác để tối ưu hóa khả năng sinh lời, nâng cao giá trị gia tăng. Đẩy mạnh các phong trào nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động; quản trị chặt chẽ chi phí, giá thành sản phẩm đảm bảo cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại… 

Nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm, phát triển những dòng sản phẩm có hiệu quả cao, thân thiện với môi trường trên nền tảng cốt lõi là urê hạt đục của Đạm Cà Mau, nhằm nâng cao giá trị gia tăng, giúp công ty tham gia một cách hiệu quả vào chuỗi giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp. 

Ngoài sản phẩm urê hạt đục, năm 2015, Đạm Cà Mau đã cho ra đời sản phẩm mới N.Humate+Te và tiếp tục sản xuất thương mại sản phẩm này để giữ chân khách hàng. Trong tháng 12-2016, Công ty tiếp tục cho ra mắt sản phẩm mới N46 Plus tiết kiệm phân bón và tăng năng suất cho cây trồng. 

Công ty cũng đang nghiên cứu, triển khai dự án sản xuất phân bón phức hợp NPK cao cấp. Đây là dự án được đánh giá có nhiều tiềm năng, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Với dự án này Đạm Cà Mau kỳ vọng sẽ góp phần tăng doanh thu và lợi nhuận của công ty trong thời gian tới cũng như cơ hội cho xuất khẩu. 

Bên cạnh các giải pháp trên, năm 2017, Đạm Cà Mau luôn quan tâm và tiếp tục đầu tư để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hình thành đội ngũ lao động chuyên nghiệp thông qua việc đào tạo, phát triển nhân viên. 

Năm 2017, công ty tiếp tục triển khai dự án tái “Tạo văn hóa doanh nghiệp”, thúc đẩy quá trình làm mới bản thân trên tất cả các phương diện thể chất, trí tuệ, tình cảm và tinh thần, góp phần xây dựng văn hóa công ty tạo môi trường và động lực phát triển bền vững của Công ty. 

Công ty cũng triển khai xây dựng và áp dụng hệ thống quản trị tiên tiến, hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm tăng cường hiệu quả quản lý, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Hiện công ty đã vận hành ổn định hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp SAP ERP và đã đưa vào áp dụng hệ thống quản trị rủi ro theo chuẩn COSO - Mỹ. Đây chính là những công cụ hỗ trợ đắc lực và cần thiết cho công tác quản trị và điều hành, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của Công ty. 

Khép lại một năm đầy nỗ lực với nhiều những thăng trầm, có thể khẳng định những thành quả đạt được trong năm 2016 đã tạo cho Đạm Cà Mau những lợi thế nhất định và tâm thế vững vàng để bước vào giai đoạn phát triển mới, luôn xứng đáng với sự tin tưởng của Chính phủ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, sự đồng hành của các cổ đông, nhà đầu tư.

Thủy Anh