Theo PVCFC, mặc dù chỉ tiêu về tiêu thụ và doanh thu ước thực hiện 2 tháng đầu năm thấp hơn so với kế hoạch nhưng lợi nhuận vẫn đạt 34,73 tỷ đồng là do sản lượng sản xuất cao. Trong điều kiện nguồn khí cung cấp không ổn định do các sự cố, Nhà máy Đạm Cà Mau vẫn duy trì hoạt động ổn định, liên tục, an toàn với công suất bình quân đạt 110%. Bên cạnh đó, các chi phí phát sinh chưa nhiều và tỷ giá đi ngang dẫn đến chi phí vốn trong kỳ thấp.

dam ca mau san luong cao ho tro ket qua sxkd tich cuc trong 2 thang dau nam 2020
Nhà máy Đạm Cà Mau duy trì hoạt động ổn định, liên tục, an toàn trong 2 tháng đầu năm 2020

Kết quả sản xuất kinh doanh tích cực trong 2 tháng vừa qua cũng ghi nhận những nỗ lực của Đạm Cà Mau trong bối cảnh diễn biến thị trường chung khá bất lợi do tình hình hạn, mặn nghiêm trọng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, cũng như dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường ảnh hưởng đến tiêu thụ nông sản, khiến nông dân thu hẹp sản xuất.

Cụ thể, năm 2020 tình hình xâm nhập mặn đến sớm hơn so với mọi năm với nồng độ nhiễm mặn cũng cao hơn trước rất nhiều. Thống kê từ đầu năm đến nay có khoảng 300.000 ha bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tình trạng xâm nhập mặn chỉ tính riêng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đây là thị trường tiêu thụ phân bón chủ lực của Đạm Cà Mau. Việc này dẫn đến nhu cầu sử dụng phân bón của nông dân suy giảm mạnh, ước tính tổng hợp từ các khu vực giảm ít nhất từ 15%-20% do thu hẹp diện tích trồng lúa; chuyển đổi cơ cấu diện tích cây trồng sang nuôi trồng thủy hải sản.

Bên cạnh đó, tình hình dịch Covid -19, làm xuất khẩu nông sản sang nhiều thị trường chính, đặc biệt là thị trường Trung Quốc bị ngưng trệ, giá hầu hết các mặt hàng nông sản giảm mạnh đã tác động tiêu cực đến thu nhập của bà con nông dân, khả năng thu hồi nợ của hệ thống phân phối, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ phân bón trong nước và sức mua của hệ thống sụt giảm.

Trong bối cảnh hết sức khó khăn đó, Đạm Cà Mau đã chủ động đưa ra các giải pháp ứng phó và nỗ lực trong quản trị doanh nghiệp, tiết giảm chi phí, ứng dụng công nghệ, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới… để tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh.

Với thế mạnh về thương hiệu tại các thị trường mục tiêu như Tây Nam Bộ, Campuchia, Đạm Cà Mau tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ tại các khu vực không bị ảnh hưởng bởi hạn mặn, tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý về nông nghiệp hướng dẫn bà con thay đổi thời gian, kỹ thuật, giống canh tác ứng phó với hạn, mặn.

Trong đó, Đạm Cà Mau đã phối hợp cùng các sở ngành của tỉnh Sóc Trăng triển khai xây dựng mô hình trình diễn giống lúa mới và quy trình canh tác lúa tiên tiến; hướng dẫn bà con cách sử dụng phân bón hiệu quả, hỗ trợ kiểm tra độ mặn, khuyến cáo thời điểm thích hợp để lấy nước vào ruộng… Mô hình đã mang lại những hiệu quả ban đầu, từng bước thay đổi tư duy sản xuất cũ, giúp bà con chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, canh tác hiệu quả, bền vững.

dam ca mau san luong cao ho tro ket qua sxkd tich cuc trong 2 thang dau nam 2020
Đạm Cà Mau vượt 17% kế hoạch sản lượng 2 tháng

Trước diễn biến của dịch Covid -19, PVCFC cùng tập thể người lao động đã nhanh chóng triển khai kế hoạch ứng phó và nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống theo khuyến cáo và chỉ đạo từ Chính phủ và các bộ, ngành, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Đạm Cà Mau cũng đồng thời đưa ra các giải pháp linh hoạt trong sản xuất kinh doanh đảm bảo luôn bám sát mục tiêu và kế hoạch đề ra như: Vận dụng linh hoạt các hình thức trực tuyến để triển khai công việc; tiếp tục triển khai Digital marketing, quảng bá thương hiệu sản phẩm thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, Fanpage Facebook chính thức của Đạm Cà Mau; xây dựng diễn đàn đối thoại, hợp tác thường xuyên giữa các đơn vị trong Tập đoàn và trong ngành phân bón để hình thành các nhóm chuyên môn trong các lĩnh vực: sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu và dự báo thị trường nhằm khai thác, cập nhật thông tin kịp thời, tận dụng lợi thế, thế mạnh sẵn có giữa các bên.

Trong các nỗ lực ứng phó với thách thức, khó khăn, Đạm Cà Mau đã quyết liệt thực hiện tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực phù hợp với các biến động của thị trường, kiểm soát chặt chẽ các mặt công tác nhằm đảm bảo thực hiện tốt các chỉ tiêu kế hoạch từng kỳ và cả năm.

Không bị trì trệ sản xuất khi thị trường khó khăn, bất lợi, Đạm Cà Mau vẫn không ngừng từng bước thực hiện Chiến lược phát triển bền vững của Công ty. Vừa qua, Đạm Cà Mau đã ký kết hợp tác với VietFarm để nghiên cứu đầu tư, kinh doanh mảng phân bón hữu cơ vi sinh nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển đa dạng sản phẩm, chú trọng các dòng phân bón hữu cơ, vi sinh ứng dụng khoa học công nghệ cao phù hợp với xu thế thị trường và định hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại.

Cùng với nỗ lực tối ưu hóa hoạt động SXKD, kiên trì cho mục tiêu phát triển bền vững, các chuyên gia đánh giá trong thời gian tới các doanh nghiệp ngành phân bón như Đạm Cà Mau cũng được hưởng một số thuận lợi. Cụ thể, xuất khẩu gạo tăng trưởng cả về lượng và giá trị trong 2 tháng đầu năm 2020 (tăng 27% về lượng và 32,6% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái) với giá xuất khẩu tăng 10% so với cùng kỳ và là mức cao nhất trong 12 tháng qua. Đồng thời, theo dự báo nhu cầu tích trữ gạo gia tăng trong bối cảnh dịch Covid - 19 sẽ hỗ trợ cho nông dân đẩy mạnh sản xuất, qua đó thúc đẩy tiêu thụ phân bón. Cùng với đó, việc giá dầu giảm cũng sẽ là tín hiệu tích cực giúp giảm chi phí nguyên liệu đầu vào cho sản xuất ure. Những điều này góp phần củng cố thêm niềm tin cho các nhà đầu tư về kết quả SXKD tích cực của Đạm Cà Mau trong quý 1, cũng như cả năm 2020.

Mai Phương