TỔNG QUAN NGÀNH PHÂN BÓN NĂM 2024

THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI

THỊ TRƯỜNG UREA THẾ GIỚI

~

triệu tấn UREA

CÁC NHÀ MÁY SẢN XUẤT NĂM 2024

Sản xuất:Sản xuất urea phụ thuộc nhiều vào giá khí tự nhiên, là nguyên liệu đầu vào chính cho quá trình sản xuất. Năm 2024, giá khí đốt tuy đã giảm so với thời kỳ trước dịch Covid-19 nhưng ở một số khu vực, đặc biệt ở châu Âu, giá khí đốt vẫn ở mức cao do ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn từ đầu năm 2022 đến nay và chưa có dấu hiệu kết thúc.

Các nước sản xuất urea lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông vẫn chiếm phần lớn thị phần toàn cầu. Năm 2024, ước tính các nhà máy sản xuất khoảng 187 triệu tấn urea, trong đó, nguồn cung chính tập trung ở các nước Ả rập Xê út, Qatar, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ.

Tiêu thụ: Tiêu thụ urea cao trên danh nghĩa nhưng có xu hướng tăng trưởng chậm lại do giá cả cao và sự chuyển đổi sang các loại phân bón có hiệu quả cao hơn về mặt môi trường. Các nước tiêu thụ lớn nhất bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc và Brazil, là các thị trường tiêu thụ chính của thế giới. Bên cạnh đó, một số nước khác như Mỹ, Úc, Argentina, Châu Âu, Pakistan, Bangladesh, Ethiopia…cũng nhập khẩu và tiêu thụ nhiều phân bón.

Mỹ là một trong những nước nhập khẩu urea và là động lực chính của thương mại toàn cầu mặc dù năng lực và sản lượng trong nước đã tăng đáng kể trong thập kỷ qua. Trung Quốc và Ấn Độ là những quốc gia tiêu thụ các sản phẩm nitơ lớn nhất, chiếm khoảng 40% mức tiêu thụ của thế giới.

0

Triệu tấn

MỨC TIÊU THỤ UREA CÁC LOẠI TRÊN TOÀN THẾ GIỚI 2024

Năm 2024, ước tính mức tiêu thụ urea các loại trên toàn thế giới gồm cả tiêu thụ nông nghiệp và công nghiệp đạt 193 triệu tấn, trong đó các ngành nông nghiệp chiếm phần lớn (trên 80% sản lượng tiêu thụ), còn lại dùng trong các ngành sản xuất công nghiệp khác như keo, ô tô…

Giá cả: Giá urea sau giai đoạn điều chỉnh vào quý 3 và quý 4 năm 2023, có dấu hiệu phục hồi từ quý 2/2024 đến nay. Nhìn chung, khu vực Đông Nam Á vẫn duy trì được mức giá cao hơn so với Trung Quốc và Baltic nhưng thấp hơn so với Trung Đông do áp lực nguồn cung ở khu vực tăng lên so với giai đoạn trước.

THỊ TRƯỜNG KALI THẾ GIỚI

0

triệu tấn

KALI SẢN XUẤT TRÊN THẾ GIỚI NĂM 2024

Sản xuất: Năm 2024, ước tính có 65 triệu tấn kali được sản xuất trên thế giới, trong đó tập trung chủ yếu ở Canada (khoảng 30% sản lượng toàn cầu), ngoài ra Nga và Belarus, Israel cũng là các nhà cung cấp lớn cho thị trường thế giới.

Nguồn kali chất lượng cao với số lượng lớn chỉ giới hạn ở một số ít quốc gia. Canada có trữ lượng kali toàn cầu lớn nhất, chiếm 40% tổng trữ lượng. Hơn 75% công suất kali thế giới do 6 nhà sản xuất lớn nhất nắm giữ. Do đó, động thái từ các nhà sản xuất này có ảnh hưởng đáng kể, chi phối không chỉ nguồn cung ứng và tác động đến giá cả Kali toàn cầu.

Tính đến năm 2024, Canada là nước có trữ lượng kali lớn nhất thế giới với 1,1 tỷ tấn, chủ yếu nằm tại tỉnh Saskatchewan, nơi có nhiều mỏ kali hoạt động; Belarus với trữ lượng 750 triệu tấn, với nhà sản xuất lớn nhất là Belaruskali, có trữ lượng kali lớn và đóng góp quan trọng vào thị trường toàn cầu. Nga sở hữu trữ lượng 650 triệu tấn, với vai trò nổi bật từ Uralkali, nhưng đã chịu ảnh hưởng lớn từ các biện pháp trừng phạt quốc tế. Trung Quốc sở hữu khoảng 180 triệu tấn, mặc dù là nước tiêu thụ kali lớn nhất thế giới, Trung Quốc vẫn cần nhập khẩu kali để đáp ứng nhu cầu trong nước. Đức có một số mỏ kali lớn và là một trong những nước sản xuất quan trọng trong khu vực châu Âu, chiếm khoảng 150 triệu tấn; Israel Chemicals là một trong những nhà sản xuất kali hàng đầu Israel, chủ yếu sản xuất từ các mỏ tại Biển Chết và hiện nước này nắm giữ khoảng 100 triệu tấn.

Những năm gần đây, do bị phương Tây áp lệnh trừng phạt, Nga và Belarus bị hạn chế xuất khẩu, ảnh hưởng đến nguồn cung ứng cho một số khu vực. Tuy nhiên, thông qua các nước trung gian, hiện tại nguồn cung ứng từ các nước này chuyển hướng sang một số thị trường chính như Trung Quốc, Brazil, Argentina, Mexico, Châu Âu, nên sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng Kali có phần giảm bớt hơn so với các năm trước.

Tiêu thụ: Năm 2024, ước tính lượng tiêu thụ Kali thế giới đạt mức 71 triệu tấn, tăng 3 triệu tấn hay tăng 4,4% so với nhu cầu tiêu thụ năm 2023 là 68 triệu tấn. Động lực tăng trưởng chính đến từ các khu vực/nước như Trung Quốc, 16,5 triệu tấn; Mỹ La tinh, 17 triệu tấn, trong đó riêng Brazil tiêu thụ khoảng 10 triệu tấn; Bắc Mỹ, 10,5 triệu tấn; Các nước Châu Á khác, khoảng 10,5 triệu tấn. Ở Đông Nam Á, Indonesia là nước tiêu thụ Kali lớn nhất nên cùng với Trung Quốc, Ấn Độ, các đợt thầu của nước này cũng ảnh hưởng đến diễn biến giá Kali ở khu vực.

Giá cả: Giá kali năm 2024 biến động mạnh, theo chiều hướng giảm sâu hơn nhiều so với năm 2023 với sự cải thiện nguồn cung từ các nhà cung cấp chính ở Nga, Belarus, đồng thời nhu cầu giảm nhập khẩu ở một số thị trường chính như Mỹ, Brazil do chưa hấp thụ hết nguồn cung dồi dào từ các năm trước, gây áp lực lên giá kali thế giới.

THỊ TRƯỜNG DAP THẾ GIỚI

Sản xuất: Các nước như Trung Quốc, Morocco, Nga và Ả rập Xê út, Ai Cập, Tunisia, Algeria, Nam Phi, Brazil là các nước hàng đầu trong việc sở hữu, cung ứng nguồn DAP/MAP toàn cầu, trong khi sản lượng phosphate của Mỹ có chiều hướng giảm mạnh, ước tính giảm 30% trong 10 năm qua. Hiện tại, Morocco là quốc gia có trữ lượng phosphate lớn nhất thế giới với 50 tỷ tấn, chiếm khoảng 70% tổng trữ lượng toàn cầu. Quốc gia này cũng là nhà sản xuất chính DAP và MAP. Trung Quốc không chỉ là một trong những nước sản xuất DAP lớn mà còn giữ vị trí quan trọng trong ngành công nghiệp phân bón toàn cầu với trữ lượng khoảng 3,8 tỷ tấn; Ai Cập là một trong những nhà sản xuất lớn của DAP và MAP, với một nền công nghiệp phân bón phát triển và hiện nắm giữ trữ lượng 2,8 tỷ tấn; Tunisia, quốc gia Bắc Phi có trữ lượng phosphate đáng kể khoảng 2,5 tỷ tấn và là một trong những nhà sản xuất DAP chính trên thế giới. Ả rập Xê út đang sở hữu khoảng 1,4 tỷ tấn và có kế hoạch gia tăng sản lượng trong những năm gần đây, với kế hoạch mở rộng thêm nữa trong tương lai.

Chính sách thương mại của Trung Quốc có tác động lớn đến thị trường phosphate toàn cầu. Năm 2023, xuất khẩu DAP/MAP của Trung Quốc đã giảm khoảng 30% so với năm 2021 do các hạn chế xuất khẩu ở nước này nhằm bình ổn thị trường trong nước. Trung Quốc hiện vẫn tiếp tục áp đặt các hạn chế đối với xuất khẩu phân bón, bao gồm cả urea, DAP và MAP (Mono-ammonium Phosphate). Chính phủ đã yêu cầu các nhà sản xuất tạm dừng việc xin cấp chứng nhận xuất khẩu, làm tăng thời gian thông quan và hạn chế khối lượng xuất khẩu.

LƯỢNG DAP/MAP SẢN XUẤT TRÊN THẾ GIỚI ƯỚC ĐẠT

>

triệu tấn

NĂM 2024

Về sản xuất, năm 2024, lượng DAP/MAP sản xuất trên thế giới ước đạt trên 50 triệu tấn, trong đó riêng Trung Quốc sản xuất 20 triệu tấn, còn lại tập trung ở các nước như Mỹ, Maroc, Nga, Ả rập Xê út.

Tiêu thụ: Năm 2024, ước tính lượng tiêu thụ DAP/MAP thế giới đạt 53 triệu tấn, tăng nhẹ 2 triệu tấn, hay tăng 4% so với năm 2023. Ấn Độ và Brazil là những nước nhập khẩu DAP/MAP lớn nhất, do sản lượng trong nước hạn chế. Do đó, đây là cũng là các thị trường ảnh hưởng đến nguồn cung nhập khẩu và diễn biến giá DAP/MAP trên thế giới.

Về nhập khẩu, các nước có xu hướng nhập khẩu DAP/MAP lớn trên thế giới năm 2024 gồm Ấn Độ: khoảng trên 5 triệu tấn; Brazil: khoảng 4,5 triệu tấn; Mỹ: khoảng 1 triệu tấn; Úc: trên 1,2 triệu tấn; Pakistan: khoảng 0,9 triệu tấn.

Giá cả: Bước sang năm 2024, giá DAP ổn định trong quý 1/2024 nhưng sau đó điều chỉnh khá trong quý 2/2024 và phục hồi về mức cuối năm trước. Một trong những nguyên nhân chính là do Trung Quốc áp đặt hạn chế xuất khẩu DAP ra thị trường quốc tế, khiến các nhà nhập khẩu chính gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn hàng, nhất là Ấn Độ.

THỊ TRƯỜNG NPK THẾ GIỚI

Sản xuất:Theo IFA, tổng sản lượng NPK toàn cầu tăng trưởng ổn định từ 114,9 triệu tấn vào năm 2016 lên 119,0 triệu tấn vào năm 2020, nhưng giảm nhẹ xuống còn 118,5 triệu tấn vào năm 2021. Sản lượng NPK ở các khu vực như Tây Âu và Nam Á có sự ổn định, trong khi Đông Á cho thấy sự giảm nhẹ trong sản xuất vào năm 2021 so với năm 2020. Châu Á và đặc biệt là Nam Á đã có sản lượng tương đối ổn định, tuy nhiên, sản lượng của Đông Á đã giảm từ 72,6 triệu tấn vào năm 2020 xuống 72,5 triệu tấn vào năm 2021. Trung Âu cho thấy sự giảm sản lượng từ 5,1 triệu tấn vào năm 2017 xuống 4,2 triệu tấn vào năm 2021, điều này có thể do tác động của các chính sách môi trường và biến động giá. Tây Âu duy trì sản lượng ổn định khoảng 14,9 triệu tấn từ năm 2019 đến 2021.

KHU VỰC 2016 2017 2018 2019 2020 2021
Tây Âu 14,9 14,9 15,0 15,0 14,9 14,9
Trung Âu 4,6 5,1 5,0 4,8 4,9 4,2
EECA (Đông Âu và Trung Á) 10,9 11,2 11,4 11,4 11,3 11,4
Châu Mỹ 3,2 3,2 3,3 3,6 3,6 3,6
Châu Phi 3,3 3,2 3,2 3,2 3,2 3,3
Tây Á 3,6 4,4 4,4 4,5 4,8 4,8
Nam Á 3,4 3,4 3,5 3,2 3,8 3,7
Đông Á 71,1 71,2 73,7 72,2 72,5 72,6
Thế Giới 114,9 116,7 119,5 117,9 119,0 118,5
Đơn vị: Triệu tấn sản phẩm
Nguồn: IFA - Tháng 1/2023
Mô tả hình ảnh

Dựa trên báo cáo sản lượng sản xuất NPK của IFA giai đoạn 2016-2021 như trên, ước tính sản lượng NPK cho giai đoạn từ 2022-2024 đạt mức 120-122 triệu tấn. Sự gia tăng này có thể được lý giải bởi nhu cầu gia tăng từ ngành nông nghiệp trong bối cảnh dân số toàn cầu tăng, thúc đẩu nhu cầu về thực phẩm, mở rộng diện tích canh tác cây trồng. Ngoài ra, nhu cầu về phân bón hữu cơ và các giải pháp nông nghiệp bền vững ngày càng tăng, góp phẩn thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm NPK mới.

TỔNG TIÊU THỤ NPK TOÀN CẦU ƯỚC ĐẠT

0

triệu tấn

VÀO NĂM 2034

Tiêu thụ:Theo Argus, tổng tiêu thụ NPK toàn cầu năm 2020 là 99,7 triệu tấn và dự báo sẽ tăng lên khoảng 107,2 triệu tấn vào năm 2034, với tốc độ tăng trưởng hàng năm CAGR khoảng 0,5%/năm. Trong giai đoạn này, Châu Phi dự báo có mức tăng trưởng mạnh mẽ nhất, từ 2,5 triệu tấn vào năm 2020 lên 5,7 triệu tấn vào năm 2034, với CAGR là 6,0%. Điều này phản ánh sự phát triển nông nghiệp và nhu cầu tăng cao về thực phẩm trong bối cảnh dân số tăng. Nam Á có mức tăng trưởng khiêm tốn hơn với mức tiêu thụ dự kiến tăng từ 5,2 triệu tấn lên 5,5 triệu tấn, tương ứng với CAGR là 0,4%. Đông Bắc Á cho thấy sự suy giảm nhẹ trong tiêu thụ với dự báo giảm từ 63,8 triệu tấn xuống 63,1 triệu tấn. Khu vực Tây Âu có mức tiêu thụ tương đối ổn định, nhưng không có sự tăng trưởng đáng kể, trong khi Trung Âu và Đông Âu cũng cho thấy sự tăng trưởng khiêm tốn. Bắc Mỹ được dự báo tăng trưởng thấp.

Dự báo tăng trưởng tiêu thụ NPK theo khu vực, 2020-2034
KHU VỰC 2020 2024 2029 2034 +/-
2020-34
CAGR
2020-34
Đông Bắc Á 63.790 65.107 64.021 63.082 -707 -0,1%
Đông Nam Á 12.613 13.591 13.995 14.202 1.589 0,9%
Trung và Đông Âu 4.188 4.586 4.636 4.730 542 0,9%
Châu Phi 2.505 4.134 4.877 5.670 3.165 6,0%
Nga và Trung Á 1.465 1.510 1.736 1.860 395 1,7%
Nam Á 5.200 5.331 5.394 5.462 262 0,4%
Mỹ Latinh và Caribe 2.774 3.556 3.961 4.279 1.505 3,1%
Tây Âu 5.090 4.921 5.092 5.327 237 0,3%
Trung Đông 1.348 1.404 1.501 1.649 300 1,4%
Bắc Mỹ 717 723 722 721 4 0,0%
Châu Đại Dương 70 107 148 184 115 7,2%
TỔNG TOÀN CẦU 99.760 104.970 106.083 107.166 7.406 0,5%

DỰA TRÊN XU HƯỚNG HIỆN TẠI, TIÊU THỤ NPK TOÀN CẦU CÓ THỂ ĐẠT KHOẢNG

108 - 109

triệu tấn

cho giai đoạn 2024- 2025, với sự đóng góp lớn từ các khu vực như Châu Phi và Đông Nam Á.

Giá cả: Do thị trường NPK có nhiều công thức và tùy thuộc vào đặc trưng nhu cầu cụ thể, giá NPK có sự khác biệt nhất định giữa các nhà sản xuất cũng như khẩu vị của thị trường nhập khẩu chính. Với riêng công thức NPK 16-16-16 quan sát từ các nhà xuất khẩu Nga, Trung Quốc 2 năm qua cho thấy, giá NPK nhìn chung trong chiều hướng giảm, theo đó, giá NPK giảm mạnh liên tục từ quý 1/2023 – quý 3/2023 và đi ngang trong quý 4/2023. Sang năm 2024, giá NPK có dấu hiệu giảm nhẹ và tạo đáy vào quý 2/2024 và từng bước phục hồi nhẹ trong quý 3/2024. Diễn biến giá NPK phụ thuộc nhiều vào giá nguyên liệu urea, kali và DAP thế giới.

THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC

TÌNH HÌNH CUNG CẦU TRONG NƯỚC

TT Sản phẩm Nhu cầu sử dụng trong nước Ước tính nguồn cung Cân đối cung cầu
Năm 2024 Dự báo 2025 Trong nước Nhập khẩu
1 Urea 2.100 - 2.200 2.200 - 2.300 2.400 - 2.600 250 - 300 Đáp ứng nhu cầu nội địa và cả xuất khẩu
2 DAP 700 - 800 800 - 900 500 - 600 300 - 400 Lượng thiếu hụt được bù đắp từ xuất khẩu
3 Kali 900 - 1.000 1.000 - 1.200 0 1.000 - 1.200 Nhập khẩu 100%
4 NPK 3.200 - 4.000 3.500 - 4.200 3.600 - 5.000 350 - 450 Dư cung nhưng vẫn nhập NPK cao cấp
5 SA 1.100 - 1.200 1.100 - 1.200 0 1.200 - 1.300 Nhập khẩu 100%
6 Lân 1.800 - 1.900 1.800 - 1.900 1.500 - 2.000 - Chủ động đáp ứng nhu cầu trong nước
7 Hữu cơ 2.000 - 2.500 2.200 - 2.600 2.900 - 3.000 400 - 500 Nguồn cung trong nước dồi dào nhưng
vẫn có nhu cầu nhập khẩu hàng chất lượng

CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG CHÍNH

Giá năng lượng, bao gồm dầu lửa, khí đốt và than đá, có vai trò quan trọng trong chi phí đầu vào của ngành sản xuất phân bón do nhiều quá trình sản xuất phụ thuộc lớn vào các nguồn năng lượng này. Khí đốt tự nhiên là nguyên liệu chính trong sản xuất amoniac, nguyên liệu đầu vào quan trọng để sản xuất phân urea. Thông thường, chi phí khí đốt chiếm tới 60-75% chi phí sản xuất phân đạm. Do đó, biến động giá khí đốt có tác động trực tiếp đến giá phân urea. Năm 2024, giá khí đốt đã tăng mạnh, đặc biệt tại các khu vực châu Âu và châu Á, khiến cho chi phí sản xuất urea và các loại phân bón dựa trên nitơ khác tăng cao. Bên cạnh đó, dầu mỏ và một số sản phẩm dẫn suất từ dầu mỏ là một trong những yếu tố chính tác động đến chi phí vận chuyển, và trong ngành phân bón, chi phí vận chuyển nguyên liệu thô (như kali, phosphate) và phân bón thành phẩm đóng vai trò quan trọng. Giá dầu cao sẽ dẫn đến chi phí vận tải tăng, làm tăng giá bán cuối cùng của sản phẩm phân bón. Về than đá, ngoài vai trò là cung cấp năng lượng, nó còn được sử dụng trong một số quy trình sản xuất phân bón, đặc biệt ở miền Bắc, nơi than là nguyên liệu chính để sản xuất urea và amoniac. Giá than tăng cao sẽ làm gia tăng chi phí sản xuất, đặc biệt trong các khu vực vẫn dựa vào năng lượng than để vận hành nhà máy.

Nhu cầu sử dụng phân bón của Việt Nam về cơ bản được đánh giá ở mức ổn định/ tăng nhẹ từ 11-12 triệu tấn/năm do giá nông sản chính như lúa gạo, cafe, cây ăn trái… thuận lợi trong thời gian gần đây, nhất là kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam duy trì đà tăng trưởng tốt nhằm tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại song phương và đa phương đem lại. Do đó, đây là yếu tố chính thúc đẩy quy mô sản xuất của ngành phân bón Việt Nam trong các giai đoạn tới đây.

THEO ĐÁNH GIÁ CỦA MỘT SỐ CHUYÊN GIA, ƯỚC TÍNH TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG CỦA NGÀNH SXKD PHÂN BÓN VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2025-2033 TĂNG TRƯỞNG KHOẢNG
5% /năm

Tính đa dạng hóa về sản phẩm là đặc trưng của ngành phân bón Việt Nam và xu hướng này tiếp diễn trong các năm tới. Trước đây, nhu cầu về phân đơn vẫn chi phối trong tập quán canh tác cây trồng của nông dân, nhưng xu hướng chuyển đổi sang phân bón NPK cũng đang dần thay đổi ở một số khu vực, nhất là ngành hàng phục vụ nông sản xuất khẩu có giá trị cao. Bên cạnh đó, do áp lực cạnh tranh từ thị trường, các nhà sản xuất cũng phải đầu tư nhiều hơn cho công tác R&D để sản xuất ra các sản phẩm mới, với tính năng mới, tạo thêm giá trị cho người dùng cuối. Ngoài ra, với sự tham gia từ phân khúc nhập khẩu cũng góp phần làm cho bức tranh về thị trường phân bón nội địa đa dạng và phong phú hơn trước. Một số nhà sản xuất, phân phối cũng đang có xu hướng chuyển sang bán hàng theo chính sách “bộ sản phẩm” để tận dụng các cơ hội từ thị trường đem lại.

Áp lực cạnh tranh cao, cả từ nội địa và nhập khẩu, nhất là với các ngành hàng sản xuất trong nước, nhất là urea và NPK do năng lực sản xuất của ngành vượt mức tiêu thụ và có dấu hiệu dư cung ở một số thời điểm. Xem xét các số liệu XNK các năm gần đây cho thấy, xu hướng xuất khẩu ròng của Việt Nam vẫn chiếm ưu thế trong bối cảnh các nhà sản xuất Trung Quốc chịu sự áp đặt về hạn ngạch xuất khẩu, qua đó giúp các nhà sản xuất trong nước tận dụng cơ hội thâm nhập thị trường quốc tế nhiều hơn. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn lệ thuộc 100% vào nhập khẩu kali và một phần DAP làm nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất NPK. Trong trường hợp chuỗi cung ứng thế giới gián đoạn do tình hình căng thẳng địa chính trị có thể dẫn đến rủi ro thiếu hụt nguồn cung ứng trong nước.

Ngành nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, chiếm khoảng 10% GDP và sử dụng khoảng 40% lao động trong nền kinh tế. Do đó, sự phát triển của ngành nông nghiệp trực tiếp ảnh hưởng đến nhu cầu về phân bón. Nói cách khác, khi sản xuất nông nghiệp tăng trưởng, nhu cầu phân bón cũng sẽ tăng lên để cải thiện năng suất cây trồng. Điều này tạo ra cơ hội cho các công ty sản xuất phân bón tăng cường sản xuất và mở rộng thị trường.

Nông nghiệp Việt Nam có 2 vụ chính là vụ Đông Xuân và vụ Hè Thu, mỗi vụ mùa yêu cầu một lượng phân bón khác nhau. Tính chu kỳ này dẫn đến sự dao động về nhu cầu phân bón theo từng mùa vụ, vùng miền, cây trồng…ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất và cung ứng đầu ra của các công ty trong ngành. Vào thời điểm đầu vụ, thường có nhu cầu phân bón tăng cao, dẫn đến áp lực sản xuất lớn đối với các nhà máy. Trong khi đó, ở thời điểm thấp vụ, nhu cầu có thể giảm mạnh, gây ra tình trạng dư thừa sản phẩm và ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của các công ty trong ngành.

Nhìn chung, nhu cầu về phân bón trong nước thường cao điểm trong quý 2 và quý 4 và các tháng còn lại thường là thấp điểm. Giá cả phân bón có thể chịu ảnh hưởng từ yếu tố mùa vụ, khi nhu cầu tăng cao trong mùa vụ dẫn đến giá tăng và ngược lại. Các công ty sản xuất phân bón phải hoạch định chính sách bán hàng linh hoạt để điều chỉnh theo biến động thị trường. Ngoài ra, các yếu tố như thời tiết, mùa vụ và chính sách hỗ trợ của chính phủ cũng có thể làm biến động giá cả và ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ phân bón của ngành.

Ngành nông nghiệp hiện đang chuyển mình theo hướng phát triển xanh, bền vững, thân thiện với môi trường nhằm đáp ứng điều kiện nghiêm ngặt hơn từ thị trường tiêu dùng, điều này cũng đòi hỏi các công ty sản xuất phân bón điều chỉnh quy trình sản xuất và sản phẩm để đáp ứng nhu cầu về phân bón hữu cơ và thân thiện với môi trường.

Ngành phân bón có mối tương quan chặt chẽ đến ngành nông nghiệp, do đó, các yếu tố về mùa vụ, thời tiết tác động trực tiếp đến hoạt động của ngành phân bón. Biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán, và bão thường xuyên hơn, làm thay đổi chu kỳ mùa vụ hoặc gây tổn thất trong sản xuất nông nghiệp. Khi thời tiết không thuận lợi, nhu cầu phân bón giảm đáng kể do nông dân giảm diện tích gieo trồng hoặc bỏ vụ. Các đợt hạn hán kéo dài có thể khiến nông dân giảm bớt sử dụng phân bón, ảnh hưởng đến doanh thu của các nhà sản xuất và phân phối phân bón. Thời tiết bất thường, chẳng hạn như mưa quá nhiều, có thể làm giảm hiệu quả của phân bón, do bị rửa trôi trước khi cây trồng có thể hấp thụ. Điều này không chỉ gây lãng phí phân bón mà còn khiến nông dân phải sử dụng thêm lượng phân bón, dẫn đến biến động trong nhu cầu chung của ngành. Nhìn chung, năng suất cây trồng phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và khí hậu. Nếu điều kiện thời tiết thuận lợi, sản lượng cây trồng sẽ tăng, từ đó nhu cầu phân bón cũng tăng theo. Ngược lại, trong trường hợp thời tiết xấu, nhu cầu phân bón sẽ giảm do giảm diện tích gieo trồng hoặc cây trồng không đạt năng suất như mong đợi.