ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN GIAI ĐOẠN 2026 - 2030

MỤC TIÊU TỔNG QUÁT

PVCFC là doanh nghiệp hàng đầu Đông Nam Á trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón và cung cấp giải pháp toàn diện trong chuỗi giá trị nông nghiệp và hóa chất liên quan phân bón trên nền tảng công nghệ thông minh.

Nghiên cứu đầu tư có chọn lọc vào các lĩnh vực: Đa dạng hóa và phát triển sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh phân bón; Đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực chế biến sau thu hoạch và lĩnh vực khí Công nghiệp và hóa chất liên quan phân bón.

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN TỪNG LĨNH VỰC

ĐA DẠNG HÓA VÀ PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM, DỊCH VỤ TRONG LĨNH VỰC SẢN XUẤT, KINH DOANH PHÂN BÓN

Phát triển và tham gia sâu vào chuỗi giá trị nông nghiệp, tập trung dịch chuyển dần từ cung cấp bộ sản phẩm phân bón sang bộ giải pháp dinh dưỡng cây trồng và tiến tới hoàn thiện bộ giải pháp canh tác nông nghiệp công nghệ cao. Đối với bộ giải pháp dinh dưỡng cây trồng tập trung phát triển các dòng phân bón khác nhau bao gồm phân bón gốc, phân bón lá, phân bón hòa tan, phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh. Bộ giải pháp canh tác nông nghiệp bên cạnh các dòng phân bón còn phát triển thêm cả phương pháp chăm bón, chăm sóc cây trồng, sản phẩm bảo vệ thực vật, hệ thống giám sát quá trình canh tác… phục vụ nông nghiệp theo quy trình khép kín chăm sóc cây trồng từ lúc sinh trưởng đến thu hái.

Tập trung nghiên cứu, phát triển và đa dạng hóa các nhóm sản phẩm chính gồm: Phân bón urea cao cấp đa chức năng; Phân bón phức hợp NPK với nhiều công thức phục vụ cho các vùng thị trường khác nhau; Phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh; Phân bón hòa tan, phân bón lá.

Nghiên cứu, tổng hợp các hoạt chất kích thích sinh học và nghiên cứu, sản xuất chế phẩm sinh học từ vi sinh vật cho các dòng sản phẩm phân bón.

Từng bước nghiên cứu và cung cấp các dòng sản phẩm hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh phục vụ cho thị trường cao cấp.

Triển khai mô hình Nông nghiệp đô thị để tiếp cận xu thế nông nghiệp đô thị đang phát triển mạnh mẽ ở các thành phố lớn, tập trung hoàn thiện bộ sản phẩm nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao gồm: Giống, giá thể, vật tư trồng trọt, hệ thống tưới, máy nông nghiệp tự động, phân bón dinh dưỡng, sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm quản lý sau thu hoạch, giải pháp trồng cây đô thị. Phân kỳ các giai đoạn phát triển phù hợp để từng bước hoàn thiện mô hình gồm: (1) Giai đoạn phát triển bộ sản phẩm nền cho nông nghiệp đô thị gồm công cụ, dụng cụ, trang thiết bị, máy móc, hệ thống điều khiển, hệ thống tưới mini, giá thể, sản phẩm phân bón chuyên cho tưới nhỏ giọt, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, các giải pháp kỹ thuật công nghệ cao kèm theo và (2) Phát triển thành bộ giải pháp canh tác nông nghiệp đô thị công nghệ cao dành cho cây cảnh, rau màu, hoa,… phục vụ cảnh quan đô thị, công viên cây xanh, nhà phố, chung cư, biệt thự gồm giá thể, cây giống, thuốc bảo vệ thực vật sinh học-vi sinh, phân bón lá, phân bón hòa tan.

Tiếp cận, xây dựng, phát triển hệ thống phân phối trực tuyến (E-commerce) bước đầu thông qua mô hình kinh doanh nông nghiệp đô thị và nhân rộng ra các sản phẩm khác của công ty. Tiếp tục triển khai mô hình kinh doanh B2B đáp ứng theo sự phát triển kinh tế nông nghiệp quy mô lớn do xu thế thay đổi trong tập quán canh tác nông nghiệp ở ĐBSCL, ĐNB, TN và vùng miền khác đang dần phát triển, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô lớn trong nông nghiệp ngày càng nhân rộng.

Mở rộng hợp tác với đối tác nước ngoài xuất nhập khẩu phân bón, hàng hóa hướng tới phát triển công tác kinh doanh quốc tế.

Đẩy mạnh đầu tư và đưa vào khai thác hệ thống kho phục vụ công tác kinh doanh, phân phối sản phẩm, đáp ứng kịp thời việc vận chuyển và giao nhận sản phẩm. Phát triển cơ sở hạ tầng logistic thành mạng lưới liên hoàn tiến tới mở rộng cung cấp dịch vụ logistic ra bên ngoài gồm hệ thống các kho lưu trữ, cảng hàng hóa, phương tiện vận chuyển.

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN ĐẦU TƯ, SẢN XUẤT, KINH DOANH LĨNH VỰC KHÍ CÔNG NGHIỆP VÀ HÓA CHẤT LIÊN QUAN PHÂN BÓN

Hình thành chuỗi giá trị, tham gia vào mạng lưới sản xuất khí công nghiệp và hóa chất liên quan phân bón bằng việc tận dụng, mở rộng hệ thống dây chuyền công nghệ hiện tại của nhà máy, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên khí tự nhiên. Tạo sự đa dạng sản phẩm nhằm gia tăng giá trị công ty, nâng cao năng lực, mở rộng lĩnh vực hoạt động tạo động lực phát triển công ty trong tương lai.

Mở rộng đầu tư thiết bị công nghệ tại Nhà máy Đạm Cà Mau hiện hữu để thu hồi nguồn khí thải (off-gas) giúp sản xuất khí công nghiệp Argon cung cấp ra thị trường, nâng cao giá trị gia tăng nguồn nguyên liệu khí đầu vào, đa dạng hóa sản phẩm và góp phần nâng công suất sản xuất urea

Nghiên cứu cơ hội đầu tư dự án nhà máy sản xuất khí công nghiệp phục vụ cho các nhà máy chế biến nông, thủy, hải sản ở các khu công nghiệp, ưu tiên đầu tư dự án ở vùng Đồng bằng sông Cửu long.

Duy trì ổn định sản xuất CO2 thực phẩm và nghiên cứu, triển khai đầu tư hạng mục thu hồi CO2 trong dòng khí nguyên liệu (natural gas), nhiên liệu (fuel gas) để gia tăng sản lượng CO2 thực phẩm cung cấp ra thị trường và hỗ trợ nâng công suất đầu vào Nhà máy Đạm Cà Mau.

Nghiên cứu cơ hội đầu tư dự án nhà máy sản xuất C2O công nghiệp từ nguồn khói lò (flue gas) của các nhà máy nhiệt điện để phục vụ nhu cầu CO2 trong công nghiệp và hỗ trợ mục tiêu giảm phát thải của các nhà máy nhiệt điện, mở rộng đáp ứng nhu cầu CO2 trong nước và đa dạng hóa sản phẩm.

Đẩy mạnh đầu tư dự án sản xuất phân bón SOP (kali sulfat) và phân bón hòa tan để tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh dòng phân bón cao cấp kali sulfat (K2SO4 - SOP) nhằm đón đầu xu thế phát triển diện tích cây trồng có giá trị kinh tế cao, nhạy cảm với Clo và chủ động nguồn nguyên liệu SOP phục vụ sản xuất phân bón hòa tan, phân bón NPK hàm lượng clo thấp.

Nghiên cứu đầu tư và phát triển dòng sản phẩm phân bón Urea Amoni Nitrat (UAN) trên nền dây chuyền công nghệ sản xuất hiện tại của Nhà máy Đạm Cà Mau phục vụ đa dạng hóa các dòng sản phẩm phân bón hòa tan.

Nghiên cứu và đánh giá cơ hội đầu tư nhà máy sản xuất methanol từ biomass ở khu vực ĐBSCL để đa dạng hóa sản phẩm theo hướng phát triển xanh và bền vững. Đánh giá cơ hội tham gia chuỗi thu gom, sơ chế phụ phẩm nông sản để cung cấp nguyên liệu biomass cho sản xuất methanol và sản xuất hóa chất/phân bón sinh học khác.

Nghiên cứu tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn trong hệ sinh thái sản xuất để tạo ra sản phẩm, vật liệu, hóa chất có giá trị cao hơn, đồng thời gia tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên và mở rộng danh mục sản phẩm chiến lược, nối dài chuỗi sản xuất của PVCFC.

  • Đánh giá tìm kiếm cơ hội để thí điểm ứng dụng công nghệ sản xuất H2 xanh vào dây chuyền sản xuất NH3 hiện hữu cũng như các sản phẩm, hóa chất mới phù hợp với xu hướng chuyển dịch năng lượng, đáp ứng theo lộ trình giảm phát thải và định hướng phát triển bền vững của PVCFC.

NGHIÊN CỨU CƠ HỘI ĐẦU TƯ, SẢN XUẤT, KINH DOANH TRONG LĨNH VỰC CHẾ BIẾN SAU THU HOẠCH

Mở rộng tham gia vào chuỗi giá trị nông nghiệp với việc định hướng đầu tư lĩnh vực chế biến sau thu hoạch. Tập trung nghiên cứu, đánh giá, chọn lọc và đầu tư công nghệ chế biến sau thu hoạch hiện đại để bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả nhằm giảm thiểu tổn thất, tăng cường tính cạnh tranh trên thị trường. Xây dựng mô hình sản xuất chế biến nông sản khép kín từ đầu vào tạo vùng trồng, bảo quản, chế biến đến vận chuyển tiêu thụ thành mô hình công nghiệp trong nông nghiệp hiện đại.

Nghiên cứu lựa chọn các mô hình trái cây để thử nghiệm ở quy mô nhỏ và phát triển thành quy mô sản xuất lớn để tham gia sâu vào chế biến nông sản sau thu hoạch mang lại giá trị cho công ty.

Nghiên cứu, đầu tư hình thành vùng trồng, vùng nguyên liệu tập trung, cung cấp giống, quy trình canh tác đảm bảo nguồn cung nguyên liệu ổn định, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cho chế biến sau thu hoạch.

Đầu tư nâng cao năng lực chế biến, bảo quản và dịch vụ logistics (hệ thống kho lưu trữ, vận chuyển phân phối) phục vụ chế biến nông sản sau thu hoạch tạo sự liên kết hiệu quả trong công tác sản xuất và phân phối đến khách hàng trong và ngoài nước.

Phấn đấu trở thành doanh nghiệp Top 3 Việt Nam xuất khẩu trái cây và dược liệu (gồm quả tươi và sản phẩm chế biến) tính theo doanh thu. Doanh thu đạt hơn 20.000 tỷ/năm (từ năm 2030).