Nền tảng tài chính tốt, dòng tiền dồi dào mang lại nhiều lợi thế cho PVCFC, giúp công ty duy trì ổn định và mở rộng hoạt động một cách hiệu quả như: Đảm bảo khả năng thanh toán ngắn hạn, và trung hạn; Giảm phụ thuộc nợ vay bên ngoài; Đầu tư nâng cấp nhà máy, mở rộng dây chuyền sản xuất, giúp tăng năng suất và đa dạng hóa sản phẩm; Triển khai áp dụng các chương trình hỗ trợ đại lý và khách hàng mở rộng thị phần mà không ảnh hưởng quá nhiều đến dòng tiền; Đầu tư vào logistics, kho bãi, đại lý tại các thị trường mới; Duy trì chính sách cổ tức ổn định, làm tăng giá trị cổ phiếu DCM trên thị trường.
Chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào: Nhà máy Đạm Cà Mau được cung cấp nguồn khí ổn định, lâu dài từ PVN và các đối tác giúp bảo đảm duy trì sản xuất liên tục, ổn định. Nhà máy NPK Cà Mau nhận được nguồn cung ứng urea từ chuỗi giá trị nội bộ giúp tạo lợi thế hơn so với các công ty khác trên thị trường. Ngoài ra, Công ty chủ động ký kết thỏa thuận hợp tác dài hạn với các đối tác trong và ngoài nước nhằm cung ứng nguyên liệu đầu vào trong quá trình sản xuất NPK thuận lợi hơn.
Tối ưu hóa nhờ lợi thế về quy mô: Thời gian gần đây, với công suất hoạt động gia tăng, sản lượng sản xuất nhiều hơn cả về urea và NPK giúp Công ty từng bước đạt được hiệu quả về quy mô, tiết giảm chi phí sản xuất đơn vị ở các nhà máy trực thuộc, qua đó tiếp tục cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh; Tận dụng hệ thống logistics rộng khắp giúp giảm chi phí vận chuyển trên mỗi đơn vị sản phẩm.; Mạng lưới đại lý lớn giúp PVCFC tối ưu hóa chi phí marketing và bán hàng tại các thị trường.
Hệ thống phân phối mạnh mẽ: Mạng lưới phân phối cấp 1 và cấp 2 rộng khắp, đặc biệt tại Đồng bằng sông Cửu Long và Campuchia, giúp tối ưu hóa doanh thu và hiệu quả kinh doanh. Đặc biệt, với việc bổ sung thêm Công ty TNHH Phân bón Hàn-Việt cũng giúp củng cố chuỗi giá trị, cung ứng hàng hóa ở các thị trường trọng điểm, tăng cường khả năng chiếm lĩnh thị trường, nhất là thị phần NPK có sự tăng trưởng nhanh hơn giai đoạn trước.
Ứng dụng công nghệ thông tin mạnh:Với nền tảng đầu tư mạnh mẽ cho CNTT từ nhiều năm qua đã và đang giúp PVCFC xây dựng được bộ máy quản trị hiện đại với nhiều công cụ, phần mềm nổi trội, tiên tiến như ERP, Data analytics, DMS, CRM,... nâng cao hiệu quả quản lý bán hàng và chuỗi cung ứng. Ngoài ra, những năm gần đây, Công ty tăng cường ứng dụng nền tảng AI, phân tích dữ liệu giúp nâng cao hiệu quả hoạt động trong toàn hệ thống, cả nội bộ cũng như khách hàng và nông dân, giúp giảm thời gian tác nghiệp thực tế, đồng thời gia tăng trải nghiệm ứng dụng mới từ khách hàng.
Giá thành sản xuất cao:So với một số quốc gia khác như Trung Đông, Baltic, Đông Nam Á, chi phí của các nhà sản xuất phân bón Việt Nam nói chung và PVCFC nói riêng có sự bất lợi hơn do nguồn nguyên liệu khí ở các nước như Trung Đông, Baltic gần nhà máy; dễ khai thác, vận chuyển, giá thành thấp nên chi phí giá vốn sản phẩm đơn vị thấp hơn. Đây là yếu tố khó có thể khắc phục được trong dài hạn, do đó, việc cạnh tranh của PVCFC trên thị trường quốc tế so với các nhà sản xuất ở các khu vực này khó khăn hơn.
Chi phí bán hàng, marketing, logistic có xu hướng tăng:Công ty đang trong giai đoạn mở rộng và phát triển nhanh, dẫn tới các chi phí bán hàng, marketing, logistic có xu hướng tăng theo. Do áp lực cạnh tranh trong ngành phân bón nội địa rất lớn, nhiều sức ép, do đó, để duy trì chính sách đồng hành lâu dài với đại lý và nông dân, Công ty triển khai nhiều hoạt động, chương trình lớn như chiết khấu, khuyến mại, xúc tiến bán hàng, tặng quà cho khách hàng…từ đó kéo theo chi phí bán hàng, marketing tăng. Ngoài ra, một số chi phí khác khó tiết giảm như chi phí kho bãi, vận chuyển vì đây là chi phí gắn với việc lưu thông hàng hóa. Tuy nhiên, với việc áp dụng luật thuế GTGT từ 1/7/2025, kỳ vọng một số chi phí liên quan sẽ được khấu trừ, giúp hạ bớt chi phí liên quan của đơn vị.
Biến động lợi nhuận: Lợi nhuận của công ty có xu hướng giảm trong các quý gần đây, chủ yếu do biến động giá đầu ra và mức lợi nhuận tăng đột biến trong giai đoạn các năm trước. Đây cũng là điều dễ hiểu trong bối cảnh mức doanh thu và lợi nhuận tạo đỉnh cao trong năm 2022, nhưng sau đó nhanh chóng suy giảm mạnh 40-50% trong các năm sau đó, dẫn đến doanh thu giảm mạnh. Ngoài ra, như đã đề cập, với giá nguyên liệu đầu vào và chi phí bán hàng tăng nhanh một số quý cũng kéo theo lợi nhuận suy giảm. Tuy vậy, với một số động lực mới xuất hiện trong năm 2025, kỳ vọng biên lợi nhuận của đơn vị sẽ cải thiện hơn trong thời gian tới.
Từ ngày 1/7/2025, theo Luật Thuế Giá trị Gia tăng (GTGT) sửa đổi mặt hàng phân bón tại Việt Nam sẽ chuyển từ diện không chịu thuế sang chịu thuế suất GTGT 5%, điều này giúp giảm chi phí sản xuất và tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp sản xuất trong ngành; Việc khấu trừ thuế đầu vào giúp doanh nghiệp giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh so với phân bón nhập khẩu; Khuyến khích đầu tư vào đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhìn chung, với đạo luật này, kỳ vọng giúp cải thiện biên lợi nhuận của Công ty hơn so với giai đoạn trước.
Vị thế dẫn đầu thị trường:Là nhà sản xuất phân bón hàng đầu ở Việt Nam, PVCFC nỗ lực phấn đấu tiên phong, dẫn đầu trên thị trường trong việc sản xuất và cung ứng các dòng sản phẩm phân bón đa dạng. Với việc mở rộng sản xuất Nhà máy NPK Cà Mau, mua thêm Nhà máy NPK Hàn-Việt giúp Công ty bổ sung thêm nguồn hàng đáng kể nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng trong và ngoài nước.
Mở rộng thị trường xuất khẩu:Các năm gần đây, PVCFC tích cực tham gia vào thị trường xuất khẩu quốc tế nhờ lợi thế phân bón urea hạt đục được ưa chuộng hơn; giá bán xuất khẩu một số thời điểm cao hơn; nhu cầu mua lớn, điều này giúp PVCFC nắm bắt và tận dụng tốt cơ hội. Tính sơ bộ, 5 năm qua, PVCFC đã xuất khẩu hơn 1 triệu tấn urea đến hơn 20 thị trường lớn trên thế giới ở khắp thế giới. Bước sang quý 1/2025, PVCFC tổ chức xuất khẩu hơn 100.000 tấn đi Úc và dự kiến đàm phán thêm một số đối tác để triển khai các hoạt động xuất khẩu lô hàng tiếp theo.
Nhu cầu tiêu thụ phân bón trong và ngoài nước duy trì tốt: Với nền kinh tế trong nước định hướng xuất khẩu, nên các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam được đầu tư và quan tâm lớn nhằm gia tăng kim ngạch xuất khẩu và nâng cao giá trị cho nông dân. Điều này không chỉ giúp phát triển ngành nông nghiệp mà còn tác động đến các ngành liên quan, bao gồm phân bón, logistics và chế biến sâu. Căn cứ theo số liệu cập nhật gần đây cho thấy, các mặt hàng nông sản xuất khẩu chiến lược của Việt Nam đạt được nhiều thành tựu lớn trên thị trường, với một số điểm nhấn chính như: Lúa gạo – Xuất khẩu gạo của Việt Nam đứng thứ 2 thế giới (sau Ấn Độ), các thị trường chính là Philippines, Trung Quốc, Indonesia;
Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới với sản lượng hơn 1,7 triệu tấn/năm với thị trường chính là Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản; Hồ tiêu Việt Nam chiếm 40% tổng lượng xuất khẩu hồ tiêu toàn cầu với các thị trường lớn là Mỹ, EU, Ấn Độ, Trung Đông; Hạt điều xuất khẩu khoảng 600.000 tấn/năm, giữ vững vị thế nhà xuất khẩu điều số 1 thế giới; Cao su Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu cao su (sau Thái Lan, Indonesia) với thị trường chính gồm Trung Quốc, EU, Mỹ…Có thể nói, việc đầu tư vào các nông sản xuất khẩu giúp ổn định và gia tăng nhu cầu phân bón, đặc biệt là phân bón NPK, phân hữu cơ và vi sinh để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Bên cạnh đó, Chính phủ có chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính cho ngành nông nghiệp, gián tiếp giúp giảm chi phí đầu vào cho nông dân, kích thích tiêu thụ phân bón. Xu hướng mở rộng thị trường nông sản đồng nghĩa với việc PVCFC có thể đẩy mạnh xuất khẩu phân bón sang các nước Đông Nam Á như Campuchia, Thái Lan và Philippines.
Cạnh tranh quốc tế: Sự cạnh tranh từ các nhà sản xuất có chi phí thấp hơn ở Trung Đông và Đông Nam Á đặt áp lực lên thị phần và giá bán của PVCFC. Áp lực cạnh tranh đến cả từ trong nước và từ quốc tế. Trong nước, số lượng công ty sản xuất trong ngành lớn, chưa kể số lượng công ty nhập khẩu, phân phối, điều này kéo theo áp lực cạnh tranh nội địa, nhất là cuộc cạnh tranh về giá là vấn đề nan giải và không có hồi kết. Điều này, đòi hỏi PVCFC chủ động trước trong việc tăng cường xuất khẩu ra nước ngoài, xây dựng hệ thống khách hàng vững mạnh, trung thành, gắn bó lâu dài với Công ty nhằm tổ chức tiêu thụ tối đa sản lượng sản xuất của các nhà máy trực thuộc. Ngoài ra, trong bối cảnh cạnh tranh từ quốc tế hiện nay, việc hàng nhập khẩu rẻ hơn, chất lượng cao hơn cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất thị phần, khách hàng vào các công ty đối thủ.
Biến động giá nguyên liệu cao:Sự thay đổi giá khí đốt và nguyên liệu đầu vào có thể ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và lợi nhuận của công ty. Khí thiên nhiên chiếm tỷ trọng lớn về chi phí sản xuất urea, vì khí là nguồn cung cấp hydro trong quá trình tổng hợp ammonia (NH₃), tiền chất chế tạo sản phẩm urea. Giá khí thiên nhiên có thể biến động mạnh do ảnh hưởng từ thị trường dầu thô, cung-cầu toàn cầu, và chính sách năng lượng của các nước lớn. Trên thực tế, PVCFC mua khí từ PV GAS theo hợp đồng dài hạn, nhưng giá khí vẫn có sự điều chỉnh theo biến động thị trường. Đây là nhân tố tiềm ẩn biến động lớn, nhất là trong bối cảnh tình hình địa chính trị thế giới diễn biến phức tạp hiện nay với các cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine vẫn tiếp diễn; Khu vực Trung Đông đầy bất ổn và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt; Chính sách của Mỹ đang thay đổi, nhất là chính sách thuế quan mới được dự báo sẽ tiếp tục là các vấn đề nóng trên trường quốc tế trong thời gian tới.
Biến đổi khí hậu: (BĐKH) đang tạo ra những thách thức lớn đối với ngành phân bón và PVCFC, ảnh hưởng đến cung - cầu thị trường, chi phí sản xuất và chiến lược phát triển dài hạn. PVCFC có thị trường chính tại ĐBSCL, nơi chịu tác động mạnh của hạn hán, xâm nhập mặn do BĐKH. Khi nước mặn xâm nhập sâu, nông dân giảm diện tích trồng lúa, giảm nhu cầu sử dụng phân bón, ảnh hưởng đến thị phần phân bón của Công ty tại khu vực này. Các hiện tượng thời tiết tiêu cực khác như nắng nóng, lũ lụt,... cũng gây ra ảnh hưởng xấu đến ngành nông nghiệp, kéo theo ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng phân bón ở các khu vực.