TRÁCH NHIỆM VỚI MÔI TRƯỜNG

Công ty luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật hiện hành và quản lý theo tiêu chuẩn ISO 14001:2015 (được thể hiện trong Chính sách chất lượng, an toàn, môi trường, giám định và thử nghiệm của Công ty PVCFC) để kiểm soát công tác môi trường. Tất cả các nguồn thải của Nhà máy được kiểm soát chặt chẽ và được giảm thiểu tối đa về số lượng, đồng thời việc kiểm soát chất lượng luôn đạt quy định cho phép trước khi thải ra môi trường. Năm 2024, Công ty không có ghi nhận nào về việc vi phạm các quy định pháp luật về môi trường.

  • Số lần bị xử phạt vi phạm: 0 lần.
  • Tổng số tiền bị xử phạt vi phạm: 0 đồng

Ngay từ khi được thành lập, PVCFC luôn chú trọng xây dựng hệ thống quản lý và hệ thống kiểm soát môi trường. Các quy định về an toàn, phòng cháy chữa cháy, môi trường đều được Công ty tuân thủ nghiêm ngặt như: xây dựng hệ thống quan trắc trực tuyến để theo dõi, giám sát hoạt động phát thải của nhà máy liên tục và được truyền tuyển dữ liệu đến Sở Tài nguyên Môi trường để quản lý, giám sát. Kết quả quan trắc môi trường hàng quý đều được Chúng tôi thông báo công khai trên website của Công ty tại mục QHSE. Phương pháp quản lý, các hoạt động và kết quả thực hiện về môi trường cho từng nội dung cụ thể được mô tả dưới đây.

NGUYÊN LIỆU ĐẦU VÀO

  • Công nghệ sản xuất tại Nhà máy Đạm Cà Mau sử dụng nguồn nguyên liệu chính là khí tự nhiên (nguồn năng lượng hóa thạch). Do đó, vấn đề phát thải khí nhà kính và nóng lên toàn cầu được PVCFC đặc biệt quan tâm và chú trọng. Ý thức được điều này, ngay từ giai đoạn triển khai dự án, Công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất với công nghệ hiện tại, cụ thể: Công nghệ sản xuất Ammonia từ nhà bản quyền Haldor Topsoe (Đan Mạch) và Basf (Đức); Công nghệ sản xuất Urea của Saipem (Italy); Công nghệ tạo hạt của Toyo (Nhật Bản) và Công nghệ sản xuất NPK của Espindesa (Tây Ban Nha). Ngoài việc trang bị công nghệ và thiết bị hiện tại, PVCFC không ngừng cải tiến kỹ thuật, tối ưu hóa nguồn nhiên liệu, tìm kiếm các giải pháp mới và đột phá nhằm tiết kiệm và nâng cao công suất, qua đó giảm phát thải khí nhà kính cho Nhà máy Đạm Cà Mau.
  • Tại Nhà máy Đạm Cà Mau, khí tự nhiên được sử dụng cho hai mục đích: (1) là nguyên liệu để tạo thành bán thành phẩm NH3, CO2sau khi trải qua các công đoạn sản xuất tại phân xưởng Ammonia; (2) là nhiên liệu để cung cấp năng lượng tại lò Reformer sơ cấp hoặc sinh hơi tại nồi hơi phụ trợ. Theo đặc thù công nghệ thì lượng khí tự nhiên dùng làm nhiên liệu là lượng khí tiêu hao chính tại Nhà máy Đạm Cà Mau. Ngoài khí tự nhiên, khí permeate (là sản phẩm phụ của Nhà máy xử lý khí Cà Mau GPP. Trong đó, khoảng 36% lượng khí này được tận dụng để đốt tại các thiết bị gia nhiệt (heater), phần còn lại phải đốt tại đuốc của GPP) cũng được chúng tôi thu hồi nhằm tận dụng, tránh phát thải trực tiếp ra môi trường. Từ khi đưa vào sử dụng từ tháng 02/2019, khí permeate chủ yếu được tận dụng để làm nhiên liệu, thay thế một phần nhiên liệu từ khí tự nhiên. Tỷ lệ khí permeate /khí tự nhiên duy trì ở mức khoảng 2,7%. Trong năm 2024, chúng tôi đã thu hồi dòng khí permeate gas với tổng lưu lượng là 12,93 triệu Sm3/năm.

Dưới đây là bảng mô tả tiêu hao nguyên vật liệu sử dụng trong sản xuất phân Urea và NPK tại Nhà máy Đạm Cà Mau qua các năm:

THÔNG TIN ĐƠN VỊ 2022 2023 2024
NVL không tái tạo dùng để sản xuất phân Urea
Sản lượng Urea sản xuất nghìn tấn 917,81 950,39 953,8
Khí tự nhiên triệu mét khối 346,22 350,26 355,59
Khí Permeat triệu mét khối 6,53 13,37 -
NVL không tái tạo dùng để sản xuất phân NPK
Sản lượng NPK sản xuất nghìn tấn 114,33 143,20 205,74
Urea tấn 20.870,83 22.825,81 29.605,60
SA tấn 30.519,77 40.294,33 59.887,34
DAP tấn 27.806,57 33.002,04 49.359,04
MAP tấn 0,28 - 522,40
MOP tấn 22.834,41 26.546,83 35.841,28
Chất độn (caolanh, dolomite) tấn 13.665,11 19.778,07 23.152,91
Nguyên liệu chứa Zn tấn 113,03 249,37 508,87
Nguyên liệu chứa Bo tấn 109,1 326,80 472,92
Chất chống kết khối lỏng CA30 tấn 351,67 415,33 673,44
Bột Talc tấn 707,45 900,60 1.341,45

Nguyên vật liệu có thể tái tạo chiếm tỷ trọng không đáng kể trong tổng số Nguyên vật liệu nên không trình bày trong bảng này

Đối với Công nghệ sản xuất NPK, nguồn nguyên liệu để sản xuất bao gồm nguyên liệu lỏng (như dịch Urea, NH3, H2SO4…) và nguyên liệu rắn (Urea hạt, MAP, DAP, SA, MOP, SOP…). Trong đó, hơi nước có hai vai trò quan trọng nhằm giúp quá trình tạo thành sản phẩm diễn ra trong thiết bị tạo hạt được dễ dàng hơn và cung cấp năng lượng cho quá trình tạo hạt. Khí tự nhiên cùng với không khí được sử dụng làm nhiên liệu cho buồng đốt, khí nóng sinh ra từ quá trình đốt nhiên liệu sẽ được dùng trong công đoạn sấy và làm nguội sản phẩm. Với việc tăng công suất sản xuất, việc sử dụng nguyên vật liệu tăng lên hàng năm.

NƯỚC VÀ NƯỚC THẢI

Nước là nhân tố thiết yếu trong quá trình sản xuất và hoạt động thường ngày của Công ty. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên quan trọng đang phải đối mặt với nguy cơ khô cạn, ô nhiễm do sự khai thác không bền vững, và tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.

Tổng lượng nước tiêu thụ tại PVCFC năm 2024 là 1.269.647 m3, tăng 4,05% so với năm 2023 (1.220.266 m3). Trong đó:

Tổng lượng nước sông khai thác năm 2023 là 16,45 triệu m3 và năm 2024 là 14,99 triệu m3.

Tổng lượng nước thải năm 2023 là 72.747 m3 và năm 2024 là 57.164 m3.

Tổng lượng nước sông khai thác và tổng lượng nước thải phát sinh tại Nhà máy Đạm Cà Mau đều nằm trong giới hạn cho phép khai thác, xả thải, đã được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép.

Lượng nước tiết giảm nhờ các biện pháp tiết kiệm nguồn nước và ý thức của mỗi cán bộ công nhân viên và vận hành nhà máy ở công suất cao hơn, lượng nước sản xuất tiêu hao/tấn sản phẩm năm 2024 tiết giảm 1,98% so với năm 2023. Cuối năm 2024, Nhà máy Đạm Cà Mau đưa vào sử dụng hệ thống thu hồi nguồn nước xả từ hệ thống RO hiện hữu, giúp tiết kiệm 17 m3/h từ dòng concentrate xả bỏ, tương đương tiết kiệm hơn 145 nghìn m3 nước hàng năm, đồng thời giúp giảm tải cho hệ thống RO cũ và giảm được lượng hóa chất sử dụng cho hệ thống xử lý nước.

CHẤT THẢI

Công tác kiểm soát chất thải là một mục tiêu hàng năm quan trọng của PVCFC, không chỉ là trách nhiệm pháp lý mà còn cam kết bảo vệ môi trường. PVCFC áp dụng công nghệ tiên tiến để giảm thiểu tác động môi trường và nâng cao hiệu quả sản xuất. Công ty luôn tuân thủ các quy định pháp luật và xây dựng một doanh nghiệp gắn liền với bảo vệ môi trường. Trong năm 2024, PVCFC không vi phạm pháp luật và không xảy ra sự cố chất thải gây ô nhiễm. PVCFC tuân thủ các quy định về thu gom, phân loại, và xử lý chất thải, đảm bảo thiết bị và hệ thống lưu giữ chất thải đáp ứng yêu cầu pháp lý, và thực hiện quy trình quản lý chất thải để tránh sai sót ảnh hưởng môi trường.

CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHẤT THẢI NĂM 2024
  • Chất thải sinh hoạt: phát sinh từ khối văn phòng, nhà ăn, căn tin, nhà vệ sinh,... với khối lượng là 112.760 kg vào năm 2023 và 138.134 kg vào năm 2024. Chất thải sinh hoạt được thu gom và chuyển giao cho Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Cà Mau xử lý theo quy định.
  • Chất thải rắn công nghiệp thông thường: gỗ vụn, pallet hỏng, nhựa, sắt phế liệu,... phát sinh là 63.288 kg vào năm 2023 và 16.130 kg vào năm 2024 được thu gom và chuyển cho đơn vị đủ năng lực xử lý theo quy định của pháp luật.
  • Chất thải nguy hại: phát sinh với khối lượng 155.714 kg vào năm 2023 và 330.242 kg vào năm 2024, được phân loại, thu gom tại nguồn, lưu chứa tạm tại kho chứa CTNH của Nhà máy sau đó chuyển giao cho đơn vị đủ năng lực xử lý theo quy định của pháp luật.

NĂNG LƯỢNG

KẾT QUẢ SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG NĂM 2024

Tổng năng lượng tiêu thụ năm 2024 tại PVCFC tăng 0,34% so với năm 2023. Tuy nhiên, cường độ sử dụng năng lượng giảm 5,48% so với năm 2023. Kết quả sử dụng năng lượng năm 2024 tại PVCFC cụ thể như sau:

Loại năng lượng Đơn vị tính 2023 2024 Tỷ lệ
Tổng năng lượng tái tạo tiêu thụ (1) NA NA NA NA
Tổng năng lượng không tái tạo tiêu thụ (2) GJ 20.831.892,79 20.902.086,34 Tăng 0,34%
Tổng năng lượng tiêu thụ (3) = (1) + (2) GJ 20.831.892,79 20.902.086,34 Tăng 0,34%
Cường độ sử dụng năng lượng GJ/tấn SP 19,07 18,03 Giảm 5,48 %

Theo kế hoạch hoạt động SXKD đến năm 2025 được chấp thuận trong Nghị quyết số 6395/NQ-DKVN của Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam, mục tiêu đặt ra cho Nhà máy Đạm Cà Mau là tiết kiệm năng lượng với tỷ lệ tiêu hao năng lượng đến năm 2025 tiết giảm được 5% so với định mức năm 2022. Tính đến hết năm 2024, Nhà máy Đạm Cà Mau đã thực hiện tiết giảm tiêu hao được 4,38%/5% nhờ việc áp dụng nhiều các giải pháp cải tiến nhằm tăng sản lượng và giúp giảm tiêu hao so với định mức năm 2022.

Các giải pháp Thời điểm đưa vào hoạt động Hiệu quả kỹ thuật
Thay thế hệ thống hệ thống phân phối các tháp S04301, S04302, C04301 Tháng 9/2022 Mở rộng công suất tổng thể cụm tách CO2, giảm lượng CO2, slập đầu ra tháp hấp thụ, gia tăng được sản lượng NH3 5,4 tấn/ngày
Tách lỏng dòng flash gas và sử dụng Washed gas đầu ra C0403 làm nguyên liệu sản xuất Tháng 11/2022 Gia tăng được sản lượng NH3 7,1 tấn/ngày
Thu hồi Hydro trong dòng Offgas Giai đoạn 1: 12/2021
Giai đoạn 2: 11/2022
Tăng sản lượng NH3 18 tấn/ngày
Lắp đặt ED42120 để tối ưu hóa hoạt động LTS Tháng 11/2022 Tăng sản lượng NH3 4,4 tấn/ngày
Thu hồi MP vent gas xưởng Urea Năm 2022 Mức tiết kiệm NL: 4,81 GJ/giờ
Thay thế Super Cups Trays R06101 Năm 2022 Mức tiết kiệm NL: 46.401,9 GJ/Năm
Lắp đặt bổ sung cột lọc Hydro cho HRU tại xưởng Amo Năm 2022 Sản lượng NH3 của Nhà máy tăng thêm 9,05 tấn/ngày
Lắp đặt ORC package 01 Năm 2023 đến nay Hệ thống đã sản xuất được 425.280 kWh (năm 2023) và 804.274 kWh (năm 2024)

Số liệu thống kê theo dõi thực tế tiêu hao năng lượng 1 tấn Urea bao so với định mức từ năm 2022 đến nay cụ thể như sau:

Năm Đơn vị tính Định mức Thực tế Chênh lệch giữa thực tế với định mức năm 2022
2022 GJ / T.Urea bao 22,778 21,827 -4,17%
2023 GJ / T.Urea bao 22,774 21,710 -4,69%
2024 GJ / T.Urea bao 22,763 21,780 -4,38%

BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Biến đổi khí hậu đang đặt ra những thách thức nghiêm trọng cho doanh nghiệp, thể hiện qua hai loại rủi ro chính:: rủi ro vật lý (do các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão lũ, hạn hán gây thiệt hại tài sản và gián đoạn sản xuất) và rủi ro chuyển đổi (liên quan đến việc chuyển đổi sang nền kinh tế ít carbon với các chính sách, công nghệ và thay đổi hành vi người tiêu dùng). Để ứng phó, PVCFC chủ động đánh giá rủi ro, xây dựng chiến lược phát triển bền vững (PTBV), và đầu tư vào giải pháp bền vững. Công ty triển khai các chính sách, quy trình nhằm giảm tác động sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm đến biến đổi khí hậu. PVCFC cũng chú trọng đánh giá tác động môi trường từ giai đoạn đầu của Nhà máy Đạm Cà Mau và triển khai các nghiên cứu về giảm phát thải và sử dụng phân bón hiệu quả.

BÁO CÁO PHÁT THẢI KHÍ NHÀ KÍNH

Năm 2024, tính toán sơ bộ theo các nguồn phát thải chính tại PVCFC cho thấy tổng lượng phát thải tăng 1,43% nhưng cường độ phát thải/tấn sản phẩm sản xuất giảm 4,45% cho thấy hiệu quả của các cải tiến và giải pháp giảm phát thải tại Nhà máy Đạm Cà Mau.

Hoạt động phát thải Đơn vị tính Năm 2023 Năm 2024 Chênh lệch so với năm 2023
A. Phát thải trực tiếp tấn CO₂/năm 395.387,80 397.890,54 Tăng 0,63%
B. Phát thải gián tiếp tấn CO₂/năm 124.694,46 129.614,89 Tăng 3,95%
Tổng lượng phát thải (A+B) tấn CO₂/năm 520.082,25 527.505,43 Tăng 1,43%
Cường độ phát thải tấn CO₂/tấn SP 0,476 0,455 Giảm 4,45%

Trong tính toán phát thải KNK năm 2024, chúng tôi có một số điều chỉnh so với năm 2023:

  1. Thay đổi cách phân bổ lượng khí thiên nhiên làm nguyên - nhiên liệu từ phân bổ theo tỷ lệ 70:30 sang lấy dữ liệu thực tế khí thiên nhiên làm nhiên liệu từ các đồng hồ tại Nhà máy
  2. Chuyển từ cách quy đổi năng lượng tiêu thụ khí nhiên liệu theo hệ số quy định sang giá trị thực tế tại Nhà máy
  3. Đối với phần tính toán phát thải cho dầu DO và xăng, chúng tôi tách riêng lượng dầu DO và xăng theo mục đích sử dụng và tính toán dựa trên hệ số phát thải theo quy định chi tiết theo ngành phù hợp.
  4. Điều này dẫn tới tổng lượng phát thải 2023 tại báo cáo này giảm 1,8% so với tổng lượng phát thải đã công bố tại báo cáo PTBV năm 2023
CÁC GIẢI PHÁP GIẢM TÁC ĐỘNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
  • Song song với việc cải tiến kỹ thuật nhằm tăng hiệu quả hoạt động sản xuất bằng cách giảm tiêu hao nguyên liệu sản xuất chính như khí, điện, nước, hoá chất.
  • Trong năm 2024, PVCFC tiếp tục triển khai đề án trồng mới 300.000 cây xanh giai đoạn 2022-2025 nhằm đóng góp vào chương trình 1 triệu cây xanh do Chính phủ phát động, hướng đến phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
  • Triển khai hiệu quả công tác chuyển dịch năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính thông qua các dự án: Hệ thống sản xuất CO2 thực phẩm tích hợp, các dự án thu hồi CO2 từ các nguồn như tách CO2 trong dòng fuel gas (chứa 8% CO2 ), thu hồi CO2 từ dòng khói lò reforming, năng lượng mặt trời áp mái khoảng 5 MWh tại Nhà máy Đạm Cà Mau, tăng công suất Nhà máy thêm 5% sử dụng Hydro xanh từ công nghệ điện phân,…
CHƯƠNG TRÌNH:

THU PIN CŨ, ĐỔI QUÀ MỚI

Nhận thức rõ tác hại nghiêm trọng của pin thải, chỉ một viên pin nhỏ có thể gây ô nhiễm một mét khối đất hoặc 500 lít nước trong suốt 50 năm, PVCFC đã tiên phong tổ chức chương trình “Góp pin cũ, đổi quà mới” vào năm 2024. Chương trình không chỉ khuyến khích cán bộ công nhân viên trong toàn Công ty tham gia thu gom pin đã qua sử dụng mà còn lan tỏa thông điệp mạnh mẽ về bảo vệ môi trường.

Sau một thời gian triển khai, chương trình đã thu về 224 kg pin cũ – một con số ấn tượng phản ánh tinh thần trách nhiệm và cam kết của PVCFC trên hành trình chung tay vì một môi trường xanh và trong lành hơn. Đây chính là minh chứng sống động cho những nỗ lực bền bỉ của PVCFC trong việc hướng đến con đường phát triển bền vững, không chỉ trong hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn trong việc bảo vệ hệ sinh thái và cộng đồng.