Doanh nghiệp Việt đang đứng trước động lực mới để công bố các thông tin về tình hình PTBV

Ngày càng nhiều doanh nghiệp công bố đầy đủ các thông tin phi tài chính nhằm đáp ứng yêu cầu minh bạch và trách nhiệm giải trình về hiệu quả hoạt động và tính bền vững của doanh nghiệp.

ảnh 1

Ông Hoàng Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty PwC Việt Nam.

Trên thế giới, theo một khảo sát toàn cầu của PwC năm 2018, có tới 72% các công ty đã đề cập đến 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc trong khuôn khổ báo cáo thường niên hoặc báo cáo PTBV riêng biệt.

Xu hướng này đến từ thực tế rằng các số liệu tài chính hiện nay chỉ nói lên một phần câu chuyện giá trị của doanh nghiệp. Các thông tin phi tài chính như tính đa dạng và cơ hội bình đẳng, tác động đến môi trường, thực hành chuỗi cung ứng... đang trở thành những thước đo mới. ADVERTISEMENT

Tại Việt Nam, việc công bố thông tin về các chỉ số môi trường và xã hội là yêu cầu bắt buộc đối với các công ty niêm yết theo quy định tại Thông tư 155/2015/TT-BTC.

Một số doanh nghiệp đã chủ động vượt lên trên các quy định mang tính tuân thủ và tự nguyện áp dụng các khung báo cáo PTBV đang thịnh hành trên thế giới, như bộ tiêu chuẩn của Tổ chức Sáng kiến báo cáo toàn cầu (GRI).

Một số doanh nghiệp tiên phong đã tiến hành đánh giá chi tiết về mức độ tích hợp PTBV vào chiến lược và hoạt động của doanh nghiệp, hay khảo sát ý kiến đánh giá của các bên có quyền lợi liên quan cho việc xây dựng báo cáo PTBV đa chiều nhất.

Bên cạnh các sáng kiến như Chỉ số Phát triển bền vững (VNSI) của HOSE hay Chương trình đánh giá xếp hạng công bố các doanh nghiệp PTBV dựa trên bộ chỉ số CSI do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thực hiện, các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những động lực mới để công bố các thông tin về tình hình PTBV.

Ðiển hình gần đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cùng IFC đã giới thiệu Bộ Nguyên tắc quản trị công ty đầu tiên của Việt Nam, đưa ra một số nguyên tắc về việc tích hợp các yếu tố PTBV như môi trường, xã hội vào chiến lược của doanh nghiệp, đồng thời khuyến khích việc công bố và minh bạch các thông tin phi tài chính cho các nhà đầu tư, cơ quan quản lý và cộng đồng.

Nỗ lực biến rác thải nhựa thành những sản phẩm mới

Ông Ekkasit Lakkananithiphan, Tổng giám đốc Công ty Dow Việt Nam

Dow cam kết mạnh mẽ chấm dứt rác thải nhựa, trong đó có việc tìm ra các giải pháp đổi mới sáng tạo nhằm biến rác thải nhựa thành những sản phẩm mới.

Ðây cũng chính là những nỗ lực thực tiễn nhằm thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn được xác định là một trong những mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp đến năm 2025.

Nằm trong nỗ lực này, mới đây, Dow đã ký thỏa thuận triển khai dự án hợp tác thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam thông qua việc xây dựng các con đường làm từ nhựa tái chế, đồng thời phát triển thị trường đầu ra cho rác thải nhựa.

Cụ thể, dự án này hợp tác với DEEP C triển khai xây dựng đường giao thông từ nhựa tái chế đầu tiên tại Tổ hợp công nghiệp DEEP C ở TP. Hải Phòng, góp phần tái chế bao bì nhựa dẻo đã qua sử dụng bị vứt bừa bãi hoặc chôn lấp thành nguyên vật liệu xây dựng đường giao thông chắc chắn, bền vững hơn.

Cho đến nay, Dow đã hợp tác với chuỗi giá trị để xây dựng gần 100 km đường giao thông sử dụng nhựa tái chế tại các châu lục.

Một số dự án đã sử dụng công nghệ biến tính nhựa đường ELVALOY-RET của Dow và đã chuyển hóa gần 200 tấn rác thải nhựa vứt bỏ bừa bãi hoặc chôn lấp, tương đương với 50 triệu túi nhựa dẻo.

Công ty đang hợp tác với đối tác quan trọng tại Nam Mỹ sử dụng nhựa tái chế để phát triển thành vật liệu xây dựng cho các trường học ở Colombia, đồng thời hợp tác phát triển và nhân rộng công nghệ tái chế hóa học để đưa chất thải nhựa trở lại thành nguyên liệu tạo ra các sản phẩm mới.

Ði xa và bền khi biết gắn bó với cộng đồng

ảnh 2

Ông Văn Tiến Thanh, Tổng giám đốc CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau.

Là doanh nghiệp chuyên sản xuất - kinh doanh phân bón và các giải pháp dinh dưỡng cho cây trồng, CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) xác định mục tiêu lâu dài là phát triển vững bền trong một nền nông nghiệp Việt Nam bền vững. Chiến lược ấy thể hiện ở nhiều chương trình hành động, nhưng có thể gói gọn trong 3 nội dung sinh động: sản phẩm, con người và cộng đồng.

Tiên quyết coi trọng và đẩy mạnh công tác nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới theo hướng hữu cơ, hài hòa các yếu tố đất, nước và không khí… để phát triển năng lực sản xuất đi đôi với gìn giữ môi trường sống; chuyển giao kỹ thuật bón phân đúng cách cho nông dân nhằm tránh tác động ngược đến môi trường.

Phát triển bằng nội lực mạnh mẽ, PVCFC luôn có chiến lược đào tạo và phát triển nguồn nhân lực bền vững, bao gồm kiến tạo nên môi trường rèn luyện, sáng tạo, tư duy nâng cao chuyên môn và duy trì môi trường làm việc sôi nổi nhiệt huyết ấy.

Ði xa và bền khi biết gắn bó với cộng đồng. Ðó là thước đo chuẩn xác cho sự phát triển và dựng xây văn hóa doanh nghiệp đi đôi với trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng.

Mô hình cung ứng khép kín mang lại lợi ích cho chính doanh nghiệp, người tiêu dùng, xã hội

Ðại diện Heineken Việt Nam

Chúng tôi rất tự hào được chia sẻ về giải pháp sáng tạo trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc áp dụng thành công các mô hình kinh tế tuần hoàn sử dụng năng lượng sinh khối (biomass) và khí sinh học (biogas), tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo cũng như tăng tỷ lệ tái chế sử dụng hướng tới hoạt động không thải trong tương lai gần.

Hiện phần lớn nhà máy của Heineken nấu bia bằng năng lượng sinh khối và có tới 99% phụ phẩm và phế liệu được tái chế và tái sử dụng, đồng thời giảm lượng nước tiêu thụ và nước thải.

Nước thải từ nhà máy qua hệ thống xử lý được dùng để tưới cây và làm vệ sinh; bã bia, bã hèm được tái chế thành thức ăn gia súc, vỏ trấu được sử dụng làm nhiên liệu sinh khối sản xuất năng lượng cung cấp trở lại cho nhà máy…

Gần đây nhất, những nắp chai bia Tiger của Heineken Việt Nam vốn khó thu gom do có giá trị kinh tế thấp và thường bị bỏ đi bằng cách thải ra môi trường đã được doanh nghiệp thu gom tái chế nung chảy và phối trộn với các nguyên liệu khác để sản xuất thép xây dựng.

Hoạt động này sẽ được Heineken mở rộng trên quy mô toàn quốc để đóng góp vào việc hoàn thành các công trình ý nghĩa phục vụ cộng đồng, đồng thời giảm thiểu rác thải ra môi trường.

Như vậy, có thế thấy, mô hình cung ứng khép kín trong chiến lược của nền kinh tế tuần hoàn từ chuỗi cung ứng tuần hoàn cho đến tái tạo nguồn lực, vừa kéo dài tuổi thọ sản phẩm, mang lại lợi ích cho chính doanh nghiệp, người tiêu dùng, xã hội và cộng đồng, vừa đóng góp giải pháp cho sự thịnh vượng lâu dài, bền vững của nền kinh tế và bảo vệ môi trường.

Chất lượng là nền tảng và tạo ra giá trị

ảnh 3

Bà Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát.

Trong định hướng phát triển, Tân Hiệp Phát xác định làm ra các sản phẩm có lợi cho sức khỏe. Ðây là định vị cho doanh nghiệp không chỉ trong ngành sản xuất thức uống, thực phẩm và nhiều ngành khác trong vài chục năm sau.

Bên cạnh các hoạt động marketing để giúp người dùng hiểu về sản phẩm, doanh nghiệp phải tìm ra điểm chung của những vấn đề của cộng đồng nhưng có liên quan và gắn với doanh nghiệp của mình thì các chương trình mới bền vững.

Lợi ích phải được chia sẻ mới tạo ra được sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Phát triển bền vững gắn với sức khỏe người tiêu dùng

Ðại diện CTCP Tập đoàn Kangaroo

Trong hành trình 16 năm hoạt động, Kangaroo đã đầu tư lớn cho nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm nhằm hướng tới nâng cao sức khỏe của người tiêu dùng.

Ðiển hình như công nghệ tạo hydrogen cho nước, công nghệ nano kháng khuẩn lần đầu tiên ứng dụng vào các thiết bị gia dụng, thiết bị vệ sinh, công nghệ IoT đã được ghi nhận và đón nhận rộng rãi tại cộng đồng, khẳng định các mục tiêu bền vững của Tập đoàn Kangaroo trong quá trình phát triển.

Cùng với các hoạt động an sinh xã hội, thực hiện trách nhiệm với cộng đồng đã được tổ chức trong và ngoài nước đánh giá cao, Kangaroo đã nhiều lần được vinh danh trong Top 100 doanh nghiệp phát triển bền vững do VCCI tổ chức. Với sứ mệnh chỉ kinh doanh những sản phẩm liên quan đến sức khỏe con người, Kangaroo sẽ bước tiếp hành trình phát triển bền vững, đặt người tiêu dùng là trung tâm trong hành trình vươn lên của mình.

Theo Tinnhanhchungkhoan