(PetroTimes) - Theo báo cáo “Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm và kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2013” của Công ty TNHH MTV phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC), trong 6 tháng đầu năm 2013, Nhà máy Đạm Cà Mau đã tung ra thị trường 402 nghìn tấn phân bón, đạt doanh thu 3.650 tỉ đồng.

Để có được thành quả đáng tự hào này, cần phải nhắc đến và trân trọng quá trình nỗ lực không ngừng của các chuyên gia, kỹ sư vận hành Nhà máy Đạm Cà Mau – những con người còn rất trẻ. Từ những ngày đầu nhận bàn giao nhà máy, đội ngũ trẻ này đã gặp không biết bao nhiêu khó khăn trong công tác vận hành nhà máy, xử lý sự cố, quản lý rủi ro. Tuy nhiên, với định hướng đào tạo đúng đắn và niềm tin tuyệt đối ngay từ đầu của ban lãnh đạo, cùng với tinh thần quyết tâm làm chủ công nghệ của các anh em chuyên gia, kỹ sư, mọi quy trình vận hành nhà máy đều dần đi vào quỹ đạo ổn định.

Có thể nói việc vận hành Nhà máy Đạm Cà Mau đã trở nên quen thuộc như một hoạt động thường nhật đối với đội ngũ cán bộ của nhà máy. Song song với công tác vận hành là công tác bảo dưỡng nhà máy. Đến nay, Nhà máy Đạm Cà Mau đã dừng máy bảo dưỡng, sửa chữa lớn định kỳ 02 đợt. Rút được nhiều kinh nghiệm và thừa kế thành công từ đợt bảo dưỡng lần đầu tiên, tập thể anh em kỹ sư trẻ tại Nhà máy Đạm Cà Mau đã chủ động lập kế hoạch chi tiết từng hạng mục, kiểm tra và khắc phục hoàn toàn các điểm kỹ thuật đảm bảo cho nhà máy hoạt động ổn định.

Nhà máy Đạm Cà Mau đã dừng máy cùng thời điểm giàn cấp khí và công ty khí dừng máy để bảo dưỡng vào tháng 7 hàng năm, đối với năm nay từ ngày 3/7 đến hết ngày 16/7. Đây cũng là đợt bảo dưỡng lớn với hàng ngàn thiết bị máy móc sẽ được tháo ra để kiểm tra từng chi tiết. Đã có trên 800 kỹ sư và các cán bộ, công nhân kỹ thuật của nhà máy và các Nhà thầu làm dịch vụ hỗ trợ tham gia công tác bảo dưỡng vào lúc cao điểm.

Đồng hành cùng ý chí, sức trẻ của đội ngũ anh em kỹ sư, công nhân nhà máy là sự chỉ đạo sát sao và điều hành quyết liệt của Ban Giám đốc PVCFC đã góp phần quan trọng hoàn thành toàn bộ công tác bảo dưỡng vượt tiến độ so với kế hoạch, trong đó tất các các hạng mục bảo dưỡng đều hoàn thành đạt chất lượng theo yêu cầu mà không cần phải thuê đơn vị tư vấn, hỗ trợ lập kế hoạch, quản lý và tổ chức bảo dưỡng.

 

Sản phẩm urê hạt đục Đạm Cà Mau sau đợt bảo dưỡng thành công

Qua quá trình kiểm soát các thiết bị, hệ thống công nghệ từ khi khởi động lại, các phân xưởng và các thiết bị nhà máy vận hành an toàn, ổn định theo đúng thiết kế và cho ra sản phẩm đạt chất lượng. Công tác bảo dưỡng Nhà máy Đạm Cà Mau được đánh giá an toàn, chất lượng, đội ngũ kỹ sư bảo dưỡng hoàn toàn làm chủ kế hoạch và tiến độ, đặc biệt là hoàn thành vượt kế hoạch đề ra để nhà máy có thêm thời gian chuẩn bị khởi động lại để bắt tay ngay vào sản xuất, phục vụ bà con trong vụ mùa mới.

Phải nói rằng chính sự chủ động trong nắm bắt công nghệ và thực thi hiệu quả các chiến lược đào tạo con người đã đưa Đạm Cà Mau tự chủ hoàn toàn trong quá trình vận hành, tổ chức bảo dưỡng. Mọi quy trình kỹ thuật đều do các chuyên gia mang “thương hiệu Việt” của nhà máy đảm nhận, không cần phải thuê chuyên gia nước ngoài. Để có được kiến thức và bản lĩnh như thế phải kể đến các chương trình đào tạo bài bản, khoa học của nhà máy. Cụ thể, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2013, Đạm Cà Mau đã tổ chức đào tạo tập trung về quản lý và điều hành sản xuất, tăng cường kỹ năng vận hành, bảo dưỡng cho khoảng 5.669 lượt người, đạt 209,96 % so với kế hoạch 6 tháng đầu năm 2013.

 

Dây chuyền đóng bao sản phẩm Đạm Cà Mau

Không chỉ dừng lại ở việc nâng cao chất lượng sản phẩm, Đạm Cà Mau còn luôn chú trọng đầu tư về cơ sở vật chất và kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tích cực xây dựng các kế hoạch nghiên cứu, tổ chức thực hiện đề tài, sáng kiến kỹ thuật, liên tục nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các loại cây trồng. Những cá nhân, tập thể có ý tưởng, có sáng kiến, có kết quả nghiên cứu đều được ghi nhận, đánh giá và khen thưởng xứng đáng nhằm khích lệ tinh thần và khuyến khích hoạt động nghiên cứu sáng tạo, phát huy sáng kiến, sáng chế trong toàn công ty.

 

Lãnh đạo PVN và PVCFC kiểm tra công tác bảo dưỡng tại Nhà máy Đạm Cà Mau

Hiện nay, đồng thời với việc vận hành Nhà máy Đạm Cà Mau đảm bảo an toàn, ổn định, đạt công suất tối ưu, đội ngũ chuyên gia, kỹ sư vận hành nhà máy còn không ngừng nghiên cứu sáng tạo áp dụng vào thực tiễn sản xuất, rèn luyện, học tập từng bước nâng cao trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu công việc. Từ đó tiến tới sẵn sàng trở thành những “cán bộ hạt nhân” trong việc tư vấn, hỗ trợ vận hành các nhà máy sản xuất có công nghệ phức tạp, tiên tiến khác trong nước và trên thế giới, mở lối tiên phong cho công cuộc “xuất khẩu chuyên gia” vốn còn xa lạ với Việt Nam bấy lâu nay.

 

Trong 6 tháng đầu năm 2013, Nhà máy Đạm Cà Mau đã tung ra thị trường 402 nghìn tấn phân bón, đạt doanh thu 3.650 tỉ đồng.

Từng bước một, PVCFC đã hiện thực hóa được giấc mơ xuất khẩu chuyên gia ra thế giới với sự kiện chính thức cung cấp 4 chuyên gia đầu tiên sang hỗ trợ vận hành công nghệ tạo hạt tại Venezuela vào đầu tháng 7/2013 vừa qua. Đây không chỉ là niềm tự hào của riêng tập thể cán bộ nhà máy Đạm Cà Mau mà còn là niềm tự hào chung của đội ngũ chuyên gia, kỹ sư vận hành lĩnh vực hóa dầu, hóa chất của Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế.

Minh Anh – T.Vinh