Cây lúa Cà Mau phát triển ngày càng hoàn thiện về năng suất và chất lượng, từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang tổ hợp tác, hợp tác xã và cánh đồng liên kết nhưng chưa nâng cao được giá trị, chưa phát huy được mô hình liên kết của 4 nhà. Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) triển khai Dự án xây dựng và áp dụng các giải pháp dinh dưỡng hợp lý trong chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo an toàn, chất lượng sẽ mở ra hướng đi mới cho hạt gạo Cà Mau trong thời gian tới. Đây là mô hình thí điểm liên kết đủ cả bốn nhà theo chuỗi khép kín từ đầu vào đến đầu ra.


Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Dũng phát biểu tại Hội thảo tổng kết vụ Đông Xuân năm 2014 -2015

Việc ký kết hợp đồng hợp tác xây dựng và áp dụng các giải pháp dinh dưỡng hợp lý trong chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo an toàn, chất lượng giữa Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) vớiTrung tâm Khuyến nông, Khuyến ngư Cà Mau và Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) cùng đại diện nông dân sản xuất lúa, HTX xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo tại tỉnh Cà Mau theo hướng canh tác an toàn, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị hạt gạo, đảm bảo hài hòa lợi ích của các thành phần tham gia trong chuỗi liên kết, đánh dấu cột mốc quan trọng hiện thực hoá hợp tác chiến lược vì nông dân giữa 2 công ty PVCFC và AGPPS. Tổng kết vụ Đông Xuân cho chương trình vào ngày 13/03/2015, đại diện bốn nhà đã cùng nhau nhìn lại những kết quả ban đầu đã đạt được, đúc kết kinh nghiệm để tiếp tục triển khai chương trình cho vụ mùa mới. Tham dự và chỉ đạo hội thảo có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Dũng.

Chuỗi liên kết xanh cần được nhân rộng
Quy mô của chương trình là 102,5 ha tại ấp Minh Hà A, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau trong 2 vụ: Đông Xuân 2014 - 2015 và Hè Thu 2015. 
Để đề án trên được triển khai đạt hiệu quả cao, ngay từ đầu PVCFC và AGPPS làm đầu mối phối hợp với các bên triển khai thực hiện đề tài; tập huấn kỹ thuật sử dụng phân bón và cung ứng phân urea hạt đục Cà Mau đồng thời chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm của mình khi cung ứng cho nông dân. Phối hợp tổ chức tập huấn kỹ thuật, hội thảo đầu bờ và hội thảo tổng kết đề án; phối hợp tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm cho nông dân. Tập huấn quy trình canh tác tổng hợp cho nông dân. Cung ứng giống lúa, phân DAP, KCL, thuốc BVTV nằm trong danh mục cho phép sản xuất và kinh doanh của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Chịu trách nhiệm về chính sách giá vật tư đầu vào trong sản xuất gạo an toàn; tăng cường công tác bảo vệ môi trường cho nông dân tham gia dự án, ký kết hợp đồng cung ứng vật tư và bao tiêu sản phẩm cho nông dân theo giá thỏa thuận thống nhất với nông dân có sự chứng kiến xác nhận của chính quyền địa phương.
Trong quá trình thực hiện, ba bên đã phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền về thực hiện mô hình Cánh đồng mẫu lớn là một chủ trương đúng phù hợp với tâm tư nguyện vọng của người nông dân và các cấp chính quyền, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập đời sống người dân. Thực tế khi triển khai mô hình, giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân và công ty đã có tính liên kết, hợp tác chia sẻ lẫn nhau trong quá trình sản xuất như bơm tháo nước chung, gieo sạ đồng loạt. Quan trọng hơn, nông dân được tập huấn kỹ thuật định kỳ, học hỏi trao đổi những kinh nghiệm lẫn nhau. Cán bộ kỹ thuật của 3 bên (Trung tâm KNKN, BVTV An Giang, Đạm Cà Mau) thường xuyên bám sát đồng ruộng, trực tiếp xuống hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân và tuyên truyền vận động nông dân tuân thủ các hướng dẫn kỹ thuật và cam kết hợp đồng với các bên. 
Với những kết quả đó, mô hình cánh đồng mẫu lớn đã tác động đến nhiều hộ dân trên địa bàn xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời và đã khẳng định đây là một hình thức liên kết, tổ chức sản xuất phù hợp trong điều kiện sản xuất hiện nay. Từ đó, các hộ thực hiện mô hình rất phấn khởi, nhiều nông dân mong muốn mô hình này tiếp tục được nhân rộng nhiều hơn nữa trong năm 2015 và những năm tiếp theo.

Từ hiệu quả của dự án đến xây dựng hình mẫu cho cây lúa tại ĐBSCL
Là Hợp tác xã sản xuất và nhân giống cộng đồng với bề dày kinh nghiệm trong nhiều năm qua được chọn thí điểm thực hiện dự án liên kết trên là một bước đệm cho sự thay đổi mô hình sản xuất cây lúa Cà Mau sang một trang sử mới. Ông Vũ Đăng Khoa, Phó Chủ nhiệm HTX Dịch vụ Minh Hà A, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, nhận định: “là HTX đầu tiên trên mô hình sản xuất lúa thương phẩm đến nhân giống cộng đồng tại hộ gia đình từ năm 2007 đến nay thật sự chỉ có 2 nhà là hoàn chỉnh. Còn Nhà khoa học và Nhà doanh nghiệp vẫn còn vắng bóng nên giá trị từ mô hình này không cao. Sự vào cuộc của Đạm Cà Mau và AGPPS, mà thực tế đã cho thấy với tổng số 50 hộ tham gia giai đoạn 1 của chương trình này, mô hình đã giúp giảm được chi phí sản xuất khoảng 1,5 triệu đồng/ha, năng suất tăng thêm 0,25 tấn/ha, được bao tiêu đầu ra sản phẩm nên giá bán cao hơn giá thị trường từ 300 - 400đồng/kg và lợi nhuận trung bình tăng thêm gần 5 triệu đồng/ha.”.
Ông Lê Văn Sử, Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau nhận định: “thời gian qua,  diện tích sản xuất lúa của Cà Mau không lớn so với các tỉnh trên và có nhiều trà lúa là một khó khăn lớn cho ngành nông nghiệp hiện nay trong việc tổ chức sản xuất, nhân rộng các mô hình. Mô hình này đã mở hướng đi mới cho nông dân trong việc nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây lúa. Hy vọng, mô hình này sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, nhất là trong việc liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà và là mô hình mẫu để các địa phương trong rút kinh nghiệm và nhân rộng, tạo ra hướng phát triển bền vững cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn và góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới”.

PGS Tiến sĩ Mai Thành Phụng đánh giá: “Dự án đã đưa ra giải pháp quản lý dinh dưỡng tổng hợp bằng công nghệ tiên tiến nhất. Đây là hoạt động mới cho cánh đồng mẫu lớn được thực hiện tại Cà Mau và cả các tỉnh ĐBSCL. Cùng với giải pháp đồng bộ sẽ góp phần bảo vệ môi trường, phương pháp chăm sóc, sử dụng thuốc khi cần thiết. Từ sử dụng hóa học sang vi sinh và hữu cơ cùng kết quả sản xuất qua 2 vụ sẽ mang lại bài học, kinh nghiệm quý báu cho nông dân vùng dự án từ đó nhân rộng ra cả khu vực ĐBSCL”.
Để dự án, mô hình mẫu xây dựng và áp dụng các giải pháp dinh dưỡng hợp lý trong chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo an toàn, chất lượng thành công hơn, ông Hoàng Trọng Dũng, Phó Tổng Giám đốc PVCFC cho biết: “Công ty luôn xây dựng mục tiêu lấy lợi ích của người nông dân làm mục tiêu của mình, cùng đồng hành với nông dân để có được hiệu quả cao nhất trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, trong tương lai PVCFC sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị để đa dạng hóa sản phẩm cuối cùng, từng bước nâng cao giá trị thặng dư cho sản phẩm lúa gạo Cà Mau và Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, với vai trò là một trong những doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, Đạm Cà Mau mong muốn thông qua mô hình góp phần tích cực trong việc xây dựng và phát triển nông thôn mới tại Đất Mũi”.


Mô hình hợp tác bốn nhà ban đầu đã đem lại hiệu quả cao

Để mô hình cánh đồng mẫu lớn thực hiện đạt hiệu quả và nhân rộng nhiều hơn nữa không chỉ trên địa bàn huyện Trần Văn Thời mà nhân rộng cả tỉnh, ông Lê Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhấn mạnh: trong thời gian tới các cơ quan chuyên môn, các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng mục đích, ý nghĩa, lợi ích của cánh đồng mẫu lớn để nông dân thông suốt, nắm rõ và đồng thuận cao. Quá trình chỉ đạo thực hiện cánh đồng mẫu lớn phải gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với cơ quan chuyên môn với nông dân tham gia, đồng thời thoả thuận thống nhất giá cả giống, vật tư đầu vào, sản phẩm cung ứng đảm bảo chất lượng; doanh nghiệp và nông dân phải có sự liên kết chặt chẽ đảm bảo lợi ích giữa hai bên; các địa phương cần quan tâm khâu tổ chức lại sản xuất, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã trong cánh đồng mẫu lớn để chỉ đạo tổ chức, hướng dẫn cho nông dân sản xuất, làm thế nào để nâng lợi ích tối đa cho bà con nông dân, tạo tiền đề khuyến khích bà con tham gia thực hiện và nhân rộng mô hình.