Các kỹ sư nhà máy Đạm Cà Mau tiến hành lắp đặt thiết bị E06102- một trong những hạng mục quan trọng của đợt bảo dưỡng tổng thể năm 2018

Cà Mau dịp này thời tiết hay thất thường, trời chợt mưa lại chợt nắng. Buổi sáng chúng tôi đến Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) trời rất đẹp. Vậy mà vừa bắt đầu đi xuống Nhà máy Đạm Cà Mau cách trụ sở văn phòng công ty khoảng 20 km thì trời đổ mưa tầm tã.

Thời gian này, Nhà máy Đạm Cà Mau đang tiến hành bảo dưỡng tổng thể, đây là đợt bảo dưỡng lớn nhất từ trước tới nay, với khối lượng của 2.208 hạng mục công việc thuộc tất cả các lĩnh vực cơ khí, điện, điều khiển. Chia sẻ với chúng tôi về công việc bảo dưỡng nhà máy, Giám đốc Nhà máy Đạm Cà Mau Nguyễn Thanh Tùng cho biết, tập thể CBCNV PVCFC phải cùng chung tay với hơn 100 nhà cung cấp vật tư với 27 dịch vụ để thực hiện khối lượng khổng lồ các hạng mục công việc. Đảm nhận đợt bảo dưỡng này có tới 28 nhà thầu, để đảm bảo hợp tác giữa các nhà thầu trôi chảy, đạt tiến độ đề ra, PVCFC đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu. Trước đó, công ty đã tổ chức hội thảo với các nhà thầu, nhằm đưa ra các giải pháp tối ưu nhất cho công tác bảo dưỡng; phối hợp chặt chẽ giữa chủ đầu tư với nhà thầu và giữa các nhà thầu với nhau nhằm tạo sự gắn kết, phối hợp ăn ý giữa các bên tham gia bảo dưỡng nhà máy.

Hình ảnh “bánh răng cam kết” được sử dụng gắn liền với quy trình, sự kết nối, phối hợp chặt chẽ giữa các mắt xích liên quan tượng trưng cho sự đồng lòng, quyết tâm của Đạm Cà Mau và các nhà thầu liên quan. Chính vì thế mà trong suốt thời gian bảo dưỡng nhà máy, mưa bão kéo dài liên tục, nhưng các hạng mục công việc đều được hoàn thành đúng tiến độ. Dự kiến sau đợt bảo dưỡng lần này, công suất nhà máy được nâng từ 106% lên 108% và có thể đến 110% nếu điều kiện nguồn khí đủ cung ứng.

Trong 7 năm hình thành và phát triển, Đạm Cà Mau đã phải trải qua những thử thách khắc nghiệt nhất ngay từ khi mới chập chững gia nhập thị trường nhưng với những nỗ lực không mệt mỏi trong 7 năm qua và sự đồng lòng, kiên trì bền bỉ của tập thể Ban lãnh đạo cán bộ, công nhân viên, Đạm Cà Mau vẫn đứng vững, hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất kinh doanh sớm hơn dự kiến, vươn lên là đơn vị chủ lực, đóng góp quan trọng cho Tập đoàn, thu nhập bình quân của người lao động ổn định và có những bước đi chiến lược để phát triển và vươn xa hơn nữa trong thời gian tới.

Tính năng động, linh hoạt cũng thể hiện rõ ở chiến lược kinh doanh của Đạm Cà Mau. Không chỉ gói gọn trong việc sản xuất, cung cấp phân urea, Công ty đã mở rộng sang kinh doanh bộ sản phẩm Đạm Cà Mau, gồm urea Cà Mau, N46.Plus, N.Humate+TE, Kali Cà Mau, DAP Cà Mau, NPK Cà Mau..., cung cấp những giải pháp dinh dưỡng chăm sóc cây trồng, với tầm nhìn dài hạn là tập trung nghiên cứu đầu tư những sản phẩm mới có giá trị gia tăng, hỗ trợ cân bằng cây trồng, đất đai. Các dự án đầu tư nhà máy sản xuất NPK, phân bón hữu cơ… sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn thu cho doanh nghiệp.

Với thị phần chiếm khoảng 1/3 thị trường, sự ổn định trong hoạt động của Đạm Cà Mau sẽ góp phần đáng kể trong việc đảm bảo phát triển nền nông nghiệp bền vững. Đây cũng chính là mục tiêu cao nhất mà những người chèo lái Đạm Cà Mau cũng như người lao động trong doanh nghiệp hướng đến.

Trong cam kết nỗ lực đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước, song song với hoạt động sản xuất kinh doanh, Đạm Cà Mau luôn ý thức được trách nhiệm thực hiện an sinh xã hội đối với cộng đồng. Trải qua 5 năm hoạt động, Đạm Cà Mau đã dành hàng trăm tỷ đồng để xây dựng hàng ngàn căn nhà đại đoàn kết cho người nghèo; hàng vạn suất học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học và nhiều công trình công ích khác phục vụ cho đồng bào vùng sâu vùng xa khắp các tỉnh thành trên cả nước... với tổng giá trị trên 300 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) đạt sản lượng sản xuất 400.323 tấn, đạt 53,3% kế hoạch năm 2018, sản lượng tiêu thụ đạt 486,907 tấn, đạt 55,01% kế hoạch năm 2018. Lũy kế 6 tháng đầu năm doanh thu thuần đạt 3.244 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái và thực hiện được 59% kế hoạch năm, lợi nhuận sau thuế ghi nhận 413 tỷ đồng.

Lê Kim Liên (Báo Công Thương)