Theo ông Minh, nếu một doanh nghiệp đã mua bản quyền bảo hộ giống cây trồng thì sẽ có quyền yêu cầu cơ quan hải quan giám sát các doanh nghiệp xuất khẩu trái thanh long có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, với điều kiện lô hàng đó phải sản xuất từ nguồn vật liệu bất hợp pháp, không do chủ sở hữu giống cây này xuất ra.\

Nghĩa là đối với thanh long ruột đỏ LĐ1, lô hàng đó phải được thu hoạch từ vườn cây trồng bằng giống mua từ chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu cho phép cung cấp giống ra thị trường. Lúc này, chủ sở hữu giống không có quyền ngăn chặn chủ lô hàng xuất khẩu, kinh doanh… Ngược lại, cơ quan Hải quan có quyền chặn lô hàng lại để đảm bảo quyền lợi của chủ sở hữu giống cây trồng.


Thực hiện tốt bảo hộ giống cây trồng sẽ giúp nông dân nâng cao thu nhập. Ảnh: Nguyên Vỹ

 

Vấn đề đặt ra là, 2017 doanh nghiệp mới mua lại bản quyền giống LĐ1 từ Viện Cây ăn quả miền Nam nhưng từ nhiều năm trước đó, Viện đã bán giống đại trà cho nông dân. Vậy thì, đối với diện tích thanh long LĐ1 này, có được xem là có nguồn gốc giống hợp pháp hay không, thưa ông?

- Theo tôi, trước thời điểm được cấp bằng bảo hộ thì giống cây trồng đó chưa được coi là một giống, vì chưa có tên trong danh mục giống cây trồng cho phép lưu hành, sản xuất, kinh doanh của Bộ NNPTNT.

Còn từ khi được cấp bằng bảo hộ, diện tích trồng trước đó được coi như là diện tích mà Viện Cây ăn quả miền Nam trồng thử nghiệm. Viện phải khoanh vùng diện tích dùng giống đã bán ra trước khi đổi chủ sở hữu. Đồng thời, phải cùng chủ sở hữu mới đứng ra thương lượng với nông dân để hài hòa lợi ích đôi bên.

Vì cây ăn quả khác cây lúa, cây ngô ở thời gian sinh trưởng, thu hoạch lâu dài nên cũng không thể bắt nông dân đốn bỏ vườn giống của chủ cũ đi để thay bằng giống mới.

Trong điều kiện bảo hộ giống cây trồng ở nước ta như hiện nay, mức thu phí bao nhiêu thì hợp lý, đảm bảo lợi ích cho chủ sở hữu, đồng thời cũng không bị nông dân phản ứng, thưa ông?

- Khi một doanh nghiệp chấp nhận mua bản quyền sở hữu trí tuệ giống cây trồng, nghĩa là họ phải thực hiện rất nhiều nghĩa vụ với cơ quan nhà nước, phải đóng phí duy trì hiệu lực bảo hộ giống cây trồng hằng năm và các chi phí khác nữa, các khoản này khá lớn nên người sản xuất phải có trách nhiệm chia sẻ với chủ sở hữu.


Doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ đóng phí duy trì hiệu lực bảo hộ giống cây trồng hằng năm. Ảnh: Nguyên Vỹ

Đối với thanh long ruột đỏ, thời gian bảo hộ là 20 năm. Trong 3 năm đầu, mỗi năm, chủ sở hữu phải đóng cho cơ quan nhà nước 3 triệu đồng/năm để duy trì hiệu lực bằng bảo hộ giống cây trồng.

Cứ 3 năm sau đó số tiền chủ sở hữu phải đóng sẽ tăng theo mức lũy tiến. Nghĩa là từ năm thứ 4 đến năm thứ 6, chủ sở hữu phải đóng 5 triệu/năm, từ năm thứ 7 đến năm thứ 10, số tiền phải đóng là 7 triệu/năm… Số tiền cao nhất mà chủ sở hữu phải đóng để duy trì hiệu lực bằng bảo hộ giống cây trồng là 20 triệu đồng/năm.

Trong trường hợp doanh nghiệp không đóng các khoản này nữa, thì bằng bảo hộ giống cây trồng của doanh nghiệp đó hết hiệu lực. Ngoài ra, việc số tiền đóng tăng lũy tiến theo từng 3 năm nhằm đảm bảo cân bằng lợi ích giữa chủ sở hữu giống cây trồng và người sản xuất.


Các chi phí khá lớn nên người sản xuất phải có trách nhiệm chia sẻ với chủ sở hữu. Ảnh: Nguyên Vỹ

Cụ thể, ví dụ như trong vài năm tới, chủ sở hữu giống không kinh doanh, thu lợi nhuận từ giống cây trồng mà họ đăng ký bảo hộ nữa thì họ sẽ dừng hiệu lực bằng bảo hộ. Lúc này, tất cả bà con nông dân sẽ có cơ hội tiếp cận giống cây trồng này một cách dễ dàng hơn.

Do đó, chiếu theo luật, chủ sở hữu mới có quyền cho phép hoặc không cho phép bên thứ ba khai thác các sản phẩm từ giống cây trồng đã được họ đứng tên bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Còn bên sử dụng giống đã được bảo hộ cũng phải có trách nhiệm chia sẻ tác quyền với chủ sở hữu. Mức phí thì tùy đôi bên thương lượng.

Việc doanh nghiệp thu phí tác quyền giống cây trồng có khiến giá thành nông sản đội lên không, thưa ông?

- Việc trả phí bảo hộ giống cây trồng khá phổ biến ở các nước phát triển, ví dụ như ở Nhật, nông dân phải trả phí tác quyền trên từng cành hoa và ban quản lý chợ sẽ có trách nhiệm thu khoản phí này khi nông dân đem hoa tới chợ bán.

Mức giá chia sẻ tác quyền giống cây trồng hiện nay chỉ ở mức tượng trưng. Ảnh: Nguyên Vỹ

Tuy nhiên, để thực hiện được việc này, phải có sự bàn bạc, chia sẻ giữa các bên, không nên “áp đặt” quá khiến các bên phản ứng. Tôi nghĩ, mức giá chia sẻ tác quyền giống cây trồng hiện nay chỉ ở mức tượng trưng, không đáng kể.

Trong khi nếu ta đảm bảo được việc tuân thủ các quy định về bảo hộ giống cây trồng, giá bán các sản phẩm này trên thị trường sẽ khá cao, lợi nhuận mang lại cho cả nông dân và doanh nghiệp cũng sẽ lớn hơn nhiều so với mức phí mà nông dân phải chia sẻ.

Xin cám ơn ông!

Theo ông Nguyễn Thanh Minh, Chánh Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng, tình hình đăng ký bảo hộ giống cây trồng ở Việt Nam đang rất khả quan, số đơn tăng dần qua từng năm. Cụ thể, năm 2017, Văn phòng nhận 266 đơn bảo hộ, so với những năm trước, chỉ trung bình ở mức hơn 100 đơn, trước đó chỉ khoảng vài chục đơn.

Ngoài ra, rất nhiều giống mới từ nước ngoài vào và các doanh nghiệp thực hiện việc bảo hộ giống cây trồng rất nghiêm túc. Ví dụ như ở Đà Lạt, nhiều giống hoa rất đẹp, được bán với giá rất cao trên thị trường và chủ sở hữu rất coi trọng việc bảo hộ giống cho bản thân doanh nghiệp.

Khi hệ thống bảo hộ giống cây trồng của mình tốt, các tác giả nước ngoài sẽ yên tâm hơn trong việc đưa giống mới vào Việt Nam sản xuất, phát triển. Trước đây việc này rất hiếm,  các doanh nghiệp nước ngoài thường chỉ đưa những giống cũ, sắp hết hiệu lực bảo hộ vào Việt Nam sản xuất nhưng nay Việt Nam đã có thể có nhiều giống mới được du nhập vào. 

Dân Việt