Trang trại rau thủy canh của anh Đào Ngọc Sơn nằm kề tỉnh lộ 136, cách trung tâm thành phố Lai Châu khoảng 5km, thuộc bản Cắng Đắng (xã San Thàng, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu). Trang trại rau thủy cảnh của anh Sơn khá quy mô, đầu tư bài bản, đồng bộ với hệ thống nhà lưới, nhà bảo quản, đóng gói rau xanh. Đường đi, lối lại trong nhà lưới được đổ bê tông bằng phẳng.


Anh Đào Ngọc Sơn trồng rau thủy canh từ năm 2017

Bước vào bên trong nhà lưới, chúng tôi được “mục sở thị” hàng nghìn cây rau cải, xà lách, cây nào, cây nấy cũng mỡ màng, sạch sẽ, không chút bụi bẩn, đang phát triển tươi tốt trên giàn ống sinh trưởng. Những ống nhựa vuông vắn, dài hàng chục mét, được khoét lỗ tròn, đều đặn, kê thành hàng dọc trên khung sắt. Mỗi lỗ trên ống nhựa tương ứng với một cốc rau.

Chỉ vào giàn ống sinh trưởng, anh Sơn phấn khởi, cho biết: Đây là mô hình trồng rau thủy canh đầu tiên ở tỉnh Lai Châu. Mặc dù ấp ủ ý tưởng trồng rau thủy canh từ mấy năm trước, nhưng cách đây hơn 1 năm, anh Sơn mới có điều kiện biến nó thành hiện thực.


Trong nhà lưới trồng rau thủy canh của anh Sơn gồm 2 tầng giàn sinh trưởng

Ngược dòng thời gian, anh Sơn kể lại với chúng tôi về những việc mà mình đã trải qua trước khi quay về làm nông nghiệp. Anh Sơn là người dân tộc Thái, quê ở xã Mường So (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu). Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Giao thông vận tải, với tấm bằng kỹ sư giao thông loại khá trong tay, anh Sơn trở về Lai Châu, xin vào làm việc cho một doanh nghiệp xây dựng tư nhân có tiếng trong tỉnh. Đến năm 2007, anh Sơn xin vào làm việc tại Sở Giao thông vận tải tỉnh Lai Châu. Làm việc trong cơ quan nhà nước, lại đúng chuyên ngành mình đã học là mơ ước của biết bao sinh viên sau khi ra trường, trong đó có anh Sơn. 


Các loại rau xanh do anh Sơn trồng không chỉ ngon, sạch, an toàn mà còn rất bắt mắt

Những tưởng, cơ quan nhà nước sẽ là nơi anh gắn bó, cống hiến cho đến khi nghỉ hưu. Thế nhưng, sau 6 năm làm việc tại Sở Giao thông vận tải Lai Châu, anh quyết định xin nghỉ, chuyển ra ngoài để thực hiện hoài bão của mình. Năm 2013, chàng kỹ sư giao thông xin thôi việc nhà nước, ra ngoài thành lập Công ty Cổ phần xây dựng và thương mại Hà Sơn.

Năm 2016, chán công việc xây dựng, anh Sơn quay ngoắt 360 độ, rẽ sang làm nông nghiệp sạch. Sau khi mua 1,5ha đất nông nghiệp của người dân bản Cắng Đắng, xã San Thàng, anh Sơn bắt tay ngay vào thực hiện ý tưởng trồng rau thủy canh mà mình ấp ủ từ năm 2014.

“Để cho chắc ăn, trước khi thực hiện, tôi cất công tìm đến các trang trại trồng rau thủy canh ở các tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Ninh... tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Ngoài ra, tôi còn tự mày mò học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc rau thủy canh qua sách, báo, mạng internet” – anh Sơn cho hay.

Sau khi hoàn thiện nhà lưới, nhà bảo quản, đóng gói, anh Sơn bắt đầu ươm hạt giống các loại rau ăn lá như: Cải, muống, xà lách... và các loại cây ăn quả như: Cà chua, dưa leo...


Anh Sơn sử dụng máy đo, kiểm tra dinh dưỡng của cây rau mỗi ngày

Mặc dù rất chịu khó tìm tòi, học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc rau thủy canh nhưng anh Sơn cũng phải nếm trải thất bại trong mấy lứa rau đầu tiên do thiếu kinh nghiệm và chưa đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, dần dần anh đã hiểu rõ đặc tính của từng loại rau, từ đó điều chỉnh cách chăm sóc cho phù hợp và anh đã thành công. Những lứa rau tiếp theo, lứa nào cũng phát triển xanh tốt, mang lại cho anh nguồn thu không nhỏ.

Trao đổi với Dân Việt, anh Sơn cho biết: Khác với cách trồng rau truyền thống, trồng rau thủy canh rất nhàn, vì giảm được nhiều khâu lao động nặng nhọc như: Làm đất, làm cỏ, bón phân, phun thuốc.

“Gọi là rau thủy canh là vì rau không trồng trên đất mà trồng bằng giá thể xơ dừa, cây rau sinh trưởng và phát triển chủ yếu nhờ vào nước dinh dưỡng. Tôi băm nhỏ xơ dừa, sau đó bỏ vào cốc nhựa, rồi đưa hạt giống vào ươm. Khi hạt giống nảy mầm, phát triển thành cây con, đạt được 2 lá thật, tôi mới di chuyển cốc rau lên giàn sinh trưởng” – anh Sơn chia sẻ thêm.

Theo anh Sơn, trồng rau thủy canh thành công hay thất bại phụ thuộc hoàn toàn vào kỹ thuật pha chế nước dinh dưỡng, tức là hòa phân vào nước để tưới cho rau. Anh Sơn sử dụng các loại phân bón đa lượng, vi lượng và trung lượng hòa tan trong bể nước. Thứ nước dinh dưỡng này được bơm tưới thẳng vào rễ cây theo chế độ tự động và theo 16 khung giờ mỗi ngày, mỗi khung giờ kéo dài 30 phút.

“Trong quá trình sinh trưởng của cây rau, ngoài việc theo dõi, tỉa lá già, lá úa, ngày nào tôi cũng kiểm tra dinh dưỡng, quan sát sự phát triển của chúng, từ đó điều chỉnh cho phù hợp. Trồng rau thủy canh trong nhà lưới ít xảy ra sâu bệnh hại nên hầu như không phải sử dụng đến thuốc bảo vệ thực vật. Trang trại rau thủy canh của gia đình tôi đạt tiêu chuẩn VietGAP từ tháng 1.2018” – anh Sơn phấn khởi nói.

Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu khá lớn song bù lại trồng rau thủy canh cho năng suất, sản lượng cao gấp nhiều lần so với cách làm truyền thống. Anh Sơn đầu tư hơn 4 tỷ đồng để làm 2 khu nhà lưới với tổng diện tích hơn 2.500m2, với bể chứa nước, giàn ống sinh trưởng và hệ thống tưới tự động theo công nghệ ISAREL... Theo anh Sơn, cứ đà phát triển như hiện nay, chỉ trong vòng 5 năm là anh có thể thu hồi được vốn đầu tư ban đầu.

Trung bình mỗi năm, anh Sơn sản xuất được từ 10 – 11 lứa rau. Đều đặn mỗi tháng, anh Sơn cung cấp ra thị trường khoảng 9 tấn rau xanh các loại. Rau xanh do anh Sơn trồng không chỉ tươi ngon, sạch mà còn rất bắt mắt nên bán rất được giá. Anh Sơn chủ yếu cung cấp cho các siêu thị lớn ở tỉnh Vĩnh Phúc và Hà Nội. Bình quân một lứa rau, anh Sơn thu hơn 120 triệu đồng, sau khi trừ chi phí nhân công, phân bón, anh thu lãi hơn 60 triệu đồng.

Dân Việt